Trên địa bàn tỉnh, tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo, kém chất lượng... diễn biến khá phức tạp, với nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động tinh vi nhằm trốn tránh việc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý của lực lượng chức năng.
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh,cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch đấu tranh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng; phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải thông tin đầy đủ về hàng hóa đến các cơ quan quản lý và người tiêu dùng, phải phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, đẩy mạnh liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận kiểm tra và xử lý 39 vụ buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, với trị giá hàng hoá vi phạm gần 600 triệu đồng, tạm giữ và tịch thu 6.339 sản phẩm mỹ phẩm các loại. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách nhà nước gần 400 triệu đồng.
Tâm An