Doanh thu qua thương mại điện tử tăng nhanh
Ngày nay, mỗi cá nhân chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet, cài đặt App (ứng dụng) mua bán (Shopee, Lazada, Tiki, Chợ tốt, Sendo, Amazon, Alibaba, Ebay,…) hoặc sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok,…) là có thể tiếp xúc, tương tác với hàng trăm trang quảng cáo bán hàng online (trực tuyến).
Mọi người có thể xem, kiếm tìm các loại sản phẩm cần thiết và tự đặt mua, thanh toán trực tuyến trên các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính dễ dàng. Shipper (người giao hàng) sẽ mang hàng hóa đến địa chỉ của người mua cung cấp.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, xu hướng bán hàng trực tiếp chuyển dần sang trực tuyến với nhiều mô hình kinh doanh mới như: Dropshipping (được hiểu là bỏ qua khâu vận chuyển, người bán không lưu giữ hàng hóa trong kho mà khi có khách hàng đặt mua sản phẩm, người bán sẽ thông qua một bên thứ ba là nhà cung cấp hàng hóa và yêu cầu nhà cung cấp vận chuyển hàng tới tay khách hàng); Private Label (là mô hình kinh doanh mà một công ty đặt hàng sản xuất sản phẩm độc quyền từ nhà cung cấp, sau đó bán sản phẩm mang thương hiệu của mình); bán hàng qua cộng tác viên (là người hợp tác với các chủ cửa hàng hoặc những người cung cấp nguồn hàng, sau đó bán hàng trên các trang mạng xã hội hoặc trên các sàn TMĐT); bán hàng liên kết (là phương pháp kiếm tiền bằng hình thức trực tuyến, cá nhân sẽ quảng bá hình ảnh sản phẩm của các DN thông qua một đường link, khi khách hàng ấn vào và mua sản phẩm giới thiệu thì cá nhân đó sẽ nhận được hoa hồng)...
Nhờ các hình thức bán hàng, mua sắm trực tuyến phát triển mạnh nên tỷ lệ doanh thu qua TMĐT ngày càng tăng. Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 25%. Cục TMĐT và Kinh tế số thông tin: Quy mô thị trường bán lẻ TMĐT của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Dự kiến quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2025 đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Hiện cả nước có 61 triệu người mua sắm trực tuyến, bình quân mỗi người chi 336 USD cho TMĐT/năm.
Tăng cường quản lý, người tiêu dùng cần thận trọng
Với số lượng khách hàng tham gia mua hàng hóa trực tuyến đông, giao dịch dễ dàng lại diễn ra hoàn toàn trên “không gian ảo” nên đây cũng là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng. Các thủ đoạn thường thấy của đối tượng lừa đảo là: Không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ bán online qua mạng xã hội; không có địa chỉ; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; chỉ nhận làm trung gian đặt hàng kiếm lời.
Sau khi lừa dối người tiêu dùng, kẻ lừa đảo xóa dấu vết nhanh chóng bằng cách gỡ bỏ website và trang mạng xã hội khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, xử lý. Các thông tin đăng tải, quảng cáo khó nhận biết, khó xác minh hàng thật hay giả. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng nên đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Để bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động mua, bán trên không gian mạng, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
Tại Bắc Giang, lực lượng chức năng tích cực phối hợp kiểm tra các hoạt động giao dịch trong TMĐT. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thanh tra hơn 1,7 nghìn vụ việc, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 949 vụ, 959 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán thanh lý hàng tịch thu và truy thu thuế gần 102 tỷ đồng. Trong số đó có không ít vụ liên quan đến gian lận trong hoạt động TMĐT.
Ngày 31/7 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh) kiểm tra kho hàng (sản phẩm ở đây được bán online) tại số nhà 18-20-22 đường Quách Nhẫn 2A, phường Xương Giang (TP Bắc Giang), do bà TTTH, trú tại xã Ngọc Châu (Tân Yên) làm chủ. Qua đó phát hiện tổng số hơn 70 nghìn sản phẩm hàng hóa, có trị giá theo bảng niêm yết giá tại kho gần 1 tỷ đồng không có hóa đơn chứng từ. Chủ cửa hàng đã bị Cục QLTT tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính 95 triệu đồng.
Cùng với các biện pháp trên, để tạo sự minh bạch, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, chủ sở hữu website TMĐT bán hàng phải thông tin cho người tiêu dùng về: Hàng hóa, dịch vụ, giá cả, điều kiện giao dịch chung, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán, chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin người sở hữu website TMĐT. Cùng đó, chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ TMĐT (bao gồm cả sàn TMĐT) phải đăng ký với Bộ Công Thương, công bố thông tin về chủ sở hữu website... Trong trường hợp có vi phạm trong kinh doanh, chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ TMĐT phải ngăn chặn, loại bỏ, gỡ bỏ sản phẩm trong vòng 24 giờ; rà soát, gỡ bỏ, cảnh báo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ.
Sở Công Thương Bắc Giang khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những nhà cung cấp/website uy tín; tham khảo đánh giá, nhận xét của khách hàng cũ; giữ lại hóa đơn thanh toán; lưu ý khi lựa chọn phương thức thanh toán online; kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận. Bá Đoàn