![Trong tháng 1/2025, chỉ số giá tiêu dùng tại Nghệ An tăng 0,35%. Trong tháng 1/2025, chỉ số giá tiêu dùng tại Nghệ An tăng 0,35%.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2025/02/10/muasam-1739170199.jpg)
Do Tết Nguyên đán Ất Tỵ rơi vào tháng 1/2025, nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân tăng cao, kéo theo sự gia tăng giá cả ở nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ. Đây là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tại Nghệ An tăng.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm ghi nhận mức tăng so với tháng 12/2024. Cụ thể, nhóm giao thông tăng 0,79%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,46%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%.
Bên cạnh đó, có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước gồm: Nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng giảm 0,14% và hàng hóa, dịch vụ khác giảm 0,01%. Hai nhóm hàng còn lại là giáo dục và thuốc, dịch vụ y tế giữ nguyên mức giá so với tháng trước.
Tính bình quân một tháng của năm 2024, CPI tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 9 nhóm hàng tăng giá: thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất với 13,39%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,06%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,3%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,43%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,68%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,66%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,42%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,13%. Ngược lại, có 2 nhóm giảm giá so với cùng kỳ gồm giáo dục giảm 0,85% và bưu chính viễn thông giảm 0,52%.
Ngoài ra, chỉ số giá vàng tháng 1/2025 tăng 1,25% so với tháng trước và tăng mạnh 48,85% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự biến động cùng chiều với thị trường vàng thế giới. Chỉ số giá đô la Mỹ cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,06% so với tháng trước và tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, sự gia tăng của CPI tháng 1/2025 phản ánh rõ nhu cầu tiêu dùng và mua sắm tăng cao vào dịp Tết. Mặc dù mức tăng này chưa gây áp lực lớn lên lạm phát, nhưng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu.
Việc ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo đời sống người dân và duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế của địa phương.
Lê Quyết