Những ngày cuối năm, chợ Sét (xã Mỹ Hà Mỹ Lộc, Nam Định) quê tôi họp từ tờ mờ sáng cho đến giữa buổi chiều thì tan. Chợ quê thường náo nhiệt và nhiều màu sắc hơn vào những ngày giáp Tết. Với những người đi làm ăn xa thì chợ quê chính là không gian hoài niệm vì ở đó, chúng ta thường tìm thấy hồn quê và tìm về miền ký ức tuổi thơ.
Ở quê tôi, chợ Tết thường chính thức diễn ra từ khoảng 23 tháng Chạp cho tới tận chiều 30 Tết. Như nhiều đứa trẻ khác, ngày còn nhỏ, tôi từng nhiều lần được lẽo đẽo theo chân mẹ đi chợ Tết. Thậm chí, có những năm mẹ tôi đi buôn quất, tôi cùng mẹ dậy từ 3h sáng để đưa những sọt quất vừa mới trẩy từ chiều hôm trước cho kịp giờ họp chợ.
Lối vào chợ là những bông hoa đang đua nhau khoe sắc
Khác với những khu chợ ở thành thị, chợ quê mộc mạc và bình dị hơn. Một tấm bạt bày biện la liệt các mặt hàng. Người bán ngồi trên một chiếc ghế lùn sát mặt đất, hoặc đôi khi là ngồi sõng soài luôn trên tấm bạt. Thế là thành một gian hàng. Mộc mạc là vậy, nhưng chợ quê cái gì cũng có, đặc biệt là nông sản với đầy đủ sắc màu. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành... đến cả những nải chuối, buồng cau... đều có ở chợ quê.
Những tiếng mua hàng, chào hàng, những tiếng hỏi thăm trò chuyện của những người quen biết nhau đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, vui tươi. Khắp chợ, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc xuân khiến lòng người thêm rộn ràng, nô nức.
Có lẽ không sai khi nói rằng chợ quê là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, thói quen sinh hoạt của từng người nông dân ở cả một vùng quê bình dị.
Khung cảnh chợ quê như một thước phim quay chậm, nơi mà cả người bán lẫn người mua đều quen mặt biết tên người đầu làng cuối xã, nơi có đám trẻ con với ánh mắt háo hức mong chờ mẹ mua cho quần áo đẹp đi chơi xuân.
Cuộc sống dẫu có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ Tết vẫn mang đến nhiều cảm xúc và giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, hơn hết đó là tình cảm quê hương vốn đã bám rễ sâu trong tâm hồn con người mỗi dịp tết đến, xuân về.
Ngọc Linh