Phiên tăng điểm cuối tuần, lấy lại toàn bộ số điểm đã mất trong 2 phiên giảm điểm trước, qua đó duy trì tín hiệu tích cực trên biểu đồ tuần. Mặc dù tăng điểm ấn tượng, nhưng khối lượng giao dịch lại sụt giảm (trên biểu đồ tuần và ngày), nên chưa có sự đồng thuận giữa kết quả và nguyên nhân. Hơn nữa, VN-Index vẫn chưa vượt được mức đỉnh 1.140 điểm (mức cao nhất của tuần trước đó), nên mức độ rủi ro chưa sụt giảm.

Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và hạn chế giải ngân ở thời điểm này (cần chờ thêm sự đồng thuận giữa tăng điểm vượt đỉnh và thanh khoản). Mốc 1080 -1.095 điểm vẫn là ngưỡng cứng có mở vị thế mua tốt khi VN-Index có nhịp chỉnh trong các tuần tới.

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường phiên cuối tuần trước 7/7 ghi nhận một phiên tăng điểm khá với giá đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua đang có dấu hiệu mạnh lên, và xu hướng siêu ngắn hạn trở nên tích cực hơn. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên hôm nay 10/7.

“Trong phiên giao dịch hôm nay 10/7, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.140 – 1.145 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.150 – 1.155 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, sau tuần phục hồi vừa qua, chỉ số VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm. Thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi hàng bắt đáy giá rẻ về tài khoản. Do đó, nhà đầu tư nên “chậm lại quan sát” và “hạn chế mua đuổi” cổ phiếu ở vùng giá cao. Điều này là cần thiết khi mà thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II với nhiều gam màu xám.

“Trong ngắn hạn, yếu tố cơ hội/rủi ro chưa thực sự nghiêng về bên nào, vì vậy nhà đầu tư cần chậm lại quan sát, hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao khi chỉ số VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm”, chuyên gia của VNDIRECT lưu ý.

Kết thúc tuần giao dịch 3/7 –7/7 đầy biến động, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức gần cao nhất tuần tại 1.138,07 điểm
Kết thúc tuần giao dịch 3/7 –7/7 đầy biến động, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức gần cao nhất tuần tại 1.138,07 điểm.

Kết thúc tuần giao dịch 3/7 –7/7 đầy biến động, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức gần cao nhất tuần tại 1.138,07 điểm (+1,6%), tăng 17,89 điểm. Thanh khoản tuần qua điều chỉnh nhẹ, trung bình mỗi phiên giá trị và khối lượng giao dịch trên sàn HSX chỉ đạt lần lượt là 15.524,73 tỷ đồng (-6,28%) và 733,56 triệu cổ phiếu (-9,64%). Điều đó cho thấy tâm lý giới đầu tư đang dần trở nên thận trọng trước những biến động mạnh của thị trường.

Sắc xanh phủ khắp thị trường tuần qua khi có tới 18/21 nhóm ngành tăng giá. Trong đó, hàng loạt những nhóm ngành đang gặp khó khăn như Thuỷ sản (+6,96%), Dệt may (+5,15%), Thép (+5,09%) hay Hoá chất (+4,79%)... đều bật tăng hết sức ấn tượng nhờ kỳ vọng Chính phủ tiếp tục hạ lãi suất trong Quý 3/2023 tới để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn duy nhất 3 nhóm ngành vẫn chịu áp lực điều chỉnh nhẹ đó là Bất động sản (-1,34%), Điện (-0,79%) và Hàng tiêu dùng (-0,54%). Tăng điểm tích cực là vậy, nhưng khối ngoại vẫn tiếp tục xả hàng mạnh mẽ trên cả ba sàn với lượng bán ròng lên tới 1.887,8 tỷ đồng trong tuần qua. Tuy nhiên, lượng bán ròng ấy phần lớn chỉ tập trung ở những mã như VHM (-753,95 tỷ đồng), EIB (-686,62 tỷ đồng), STB (-273,91 tỷ đồng) và KDC (-206,17 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, HPG (+413,77 tỷ đồng), SSI (+140,76 tỷ đồng) và VHC (+141,82 tỷ đồng) vẫn được họ tiếp tục giải ngân mua ròng.

Minh An(Th)