Cùng đi có đồng chí Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng đi với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo huyện Lục Nam và xã Vũ Xá.
Báo cáo với Phó Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo huyện Lục Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 7/9 trên địa bàn huyện có mưa, lũ lớn. Sông Lục Nam đạt đỉnh lũ 6,72 m lúc 10 giờ ngày 9/9, cao trên mức báo động 3 là 0,42 m.
Đến sáng nay (13/9), mực nước sông đang ở mức xấp xỉ báo động 3 (khoảng 6,3 m). Hệ thống các hồ chứa đã đạt dung tích thiết kế, đang được xả tràn và xả qua các cống.
Bão số 3 gây ngập úng trên diện rộng, đặc biệt là 6 xã phía bờ tả sông Lục Nam là: Vũ Xá, Đan Hội, Bắc Lũng, Huyền Sơn, Cương Sơn, Trường Giang. Hiện nay vẫn còn nhiều khu vực bị ngập lụt, cô lập.
Xã Vũ Xá còn 4 thôn gồm: Vũ Trù Làng, Vũ Trù Đồn, Đồng Công, Giáp Xá với gần 400 hộ, hơn 1.200 khẩu bị chia cắt do nước ngập.
Toàn huyện có 2 người bị thương; gần 4.000 ha lúa, hoa màu và gần 3.000 ha rừng trồng bị gãy, đổ. Bão, lũ gây sập, đổ 4 nhà; làm tốc mái và hư hại hơn 700 căn nhà; có hơn 200 nhà dân bị nước ngập vào. Huyện đã di dời khẩn cấp 234 hộ với gần 1.000 nhân khẩu. Ngoài ra, bão lũ đã gây thiệt hại nặng về chăn nuôi, thủy sản…, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 400 tỷ đồng.
Trước tình hình bão lũ phức tạp, huyện Lục Nam thành lập 6 tổ công tác đi kiểm tra, thăm hỏi, hỗ trợ các hộ có nhà ở, công trình bị thiệt hại, phải di chuyển chỗ ở.
Cùng đó, huyện yêu cầu các trường học thực hiện vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện cho học sinh đi học trở lại. Đến nay đã có 82/85 trường đón học sinh trở lại trường, còn lại 3 trường tại xã Vũ Xá do bị chia cắt nên chưa bảo đảm an toàn.
Đến sáng 13/9, 100% tuyến giao thông trục chính đã thông; cấp đủ điện cho các trạm bơm tiêu úng hoạt động; 95% hộ dân được cấp điện trở lại; các đơn vị cấp nước sạch hoạt động bình thường để phục vụ nhân dân.
Tình hình trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, không có hộ nào bị thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu cầu thiết yếu khác.
Qua nắm bắt tình hình và thăm hỏi các hộ dân, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, sẵn sàng phòng, chống thiên tai của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Nam và xã Vũ Xá.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm. Do đó, các địa phương cần có ý thức, kế hoạch, phương án thích ứng khi quy hoạch, thực hiện xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Về nhiệm vụ trước mắt, đồng chí chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, lũ lụt; rà soát, đánh giá toàn bộ thiệt hại, hậu quả thiên tai và nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nơi ăn ở, các cơ sở trường học, y tế… Từ đó có biện pháp khắc phục, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân và các hoạt động bình thường khác.
Các cấp ủy, chính quyền khuyến cáo nhân dân lựa chọn những loại cây trồng phù hợp vào sản xuất, tránh thiệt hại do thiên tai; rà soát hệ thống giao thông, các cầu, cống, điện… bảo đảm an toàn sau bão; chú ý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; quan tâm hỗ trợ nhân dân ở khu vực còn bị cô lập, chia cắt, không để ai bị thiếu lương thực, thực phẩm. Việc hỗ trợ, thực hiện chế độ, chính sách cho các gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng 500 triệu đồng cho Quỹ Cứu trợ tỉnh Bắc Giang; 100 suất quà cho nhân dân huyện Lục Nam, mỗi suất gồm 3 triệu đồng và một gói quà, trong đó riêng xã Vũ Xá được tặng 20 suất; trao 50 triệu đồng cho Trường Mầm non và 10 triệu đồng cho Trường Tiểu học Vũ Xá.
Bá Đoàn