THCL Năm học 2014 - 1015 vừa khép lại, phản ánh kết quả cải cách của nền giáo dục nước nhà. Song với kết quả gần 100% học sinh tiểu học lên lớp - khiến dư luận không khỏi lo lắng về căn bệnh thành tích? Xung quanh câu chuyện này, PGS. Văn Như Cương đã có những chia sẻ với phóng viên...
PGS. Văn Như Cương
Có ý kiến cho rằng, nền giáo dục nước ta chưa tương xứng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực tế, giáo dục của ta hiện nay đang không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cốt lõi vấn đề mà chúng ta phải hành động triệt để hơn nữa để đổi mới giáo dục.
Nhìn vào lực lượng lao động hiện nay có thể thấy ngay. Nông dân không được học những kiến thức về cây trồng, kỹ năng trồng trọt… Công nhân, phần lớn là những người bán sức lao động, không được đào tạo bài bản. Kỹ sư, cử nhân, nhiều người ra trường không kiếm được việc làm. Hiện có khoảng 160.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ đang thất nghiệp. Như thế là giáo dục của ta có đào tạo, nhưng ra trường không đáp ứng được thực tế đòi hỏi của xã hội. Giáo dục không phát triển vốn con người là sự lãng phí, vô ích.
Chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng, giáo dục không bao giờ đứng ở vị trí thấp trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Chúng ta đề ra đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đúng, nhưng quan trọng hơn là phải hành động rốt ráo. Giáo dục là quốc sách, nếu chỉ là câu nói suông, mà không biến thành những hành động cụ thể, thiết thực, sáng rõ, hợp lòng dân thì không để giải quyết vấn đề gì. Muốn đổi mới nền giáo dục hiện nay, theo tôi, phải có một “nhạc trưởng” về giáo dục. Những người làm quản lý giáo dục, điều hành giáo dục phải là những người có tâm huyết, có kiến thức sâu sắc về giáo dục.
Tiểu học - chúng ta vẫn đang rất khó quyết liệt với bệnh thành tích. Chẳng hạn, các trường chuyên ở các địa phương mục đích chủ yếu là “luyện” cho các em đi thi học sinh giỏi để giật giải. Một con số tổng kết của ĐH Y Hà Nội, trong số 10 em được tuyển thẳng vì thành tích học sinh giỏi quốc gia, chỉ có 5 em đạt 15 điểm 3 môn thi ĐH…
Trong các cuộc thi quốc tế, các nước đi thi như một “cuộc chơi”, còn chúng ta nhất định phải có giải. Nhiều năm qua, giáo dục của ta đang đi lệch khỏi quỹ đạo mà từ trước tới nay chúng ta vốn có đó là học đi đôi với hành. Chúng ta chỉ có dạy chữ, dạy tri thức thôi, mà chưa chú trọng dạy làm người. Cho nên tình trạng học sinh đánh nhau, cư xử không đúng mực với thầy cô giáo, chán đời tự tử, xử lý các tình huống thiếu hiểu biết đang có xu hướng gia tăng.
Dường như mục tiêu đi học để có tấm bằng đang là rào cản trong quá trình đổi mới giáo dục, thưa ông?
Người ta đi học chỉ với mục đích có tấm bằng, mục tiêu của giáo dục như vậy là hết sức sai lầm. Đáng lẽ, người ta đi học để biết nghề, để có thể làm được việc, để lĩnh hội tri thức, để làm người. Từ đó mà sinh ra bằng giả, bằng thật, không đi học cũng có bằng, rồi tiêu cực thi cử ở phổ thông, tiêu cực từ lớp 1 chọn trường chọn cô, chạy thành tích cao để vào trường này trường khác. Cả xã hội chạy theo bệnh thành tích, theo hư danh bằng cấp ấy.
Ngành giáo dục đang phải đối mặt với quá nhiều thứ giả như điểm giả, bằng giả… Ở cương vị là một nhà giáo dục, ông sẽ dạy cho học sinh của mình những gì để nhìn nhận được mục đích cốt lỗi của giáo dục là học thật?
Tôi nghĩ, định hướng đổi mới toàn diện giáo dục là đúng rồi, nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào. Điều quan trọng, những người làm quản lý - điều hành giáo dục phải là những người thực sự tâm huyết, có kiến thức sâu sắc về giáo dục. Không thể để xảy ra những hiện tượng tiêu cực như chúng ta đang thấy bởi đó sẽ là vô vàn nguy cơ mà gia đình, xã hội, đất nước phải đối mặt.
Nếu trong những năm tháng đẹp nhất của đời người ngồi trên ghế nhà trường, con người ta chỉ được học những kỹ năng để trở thành giả dối, thì chúng ta sẽ có cả một thế hệ giả dối. Những người mà kiến thức là giả, thành tích là giả, thì họ sẽ không có khả năng nhận diện cái thật khi ra cuộc đời. Họ sẽ không bảo vệ cái đúng. Cái giả mà tràn lan trong nhà trường thì đương nhiên nó cũng sẽ tràn lan trong xã hội, che mờ các giá trị thật trong xã hội.
Những người làm giáo dục có vai trò rất quan trọng, đó là phải làm sao để học sinh quay trở lại với mục đích cốt lõi nhất của giáo dục là học thật, dạy thật, đào tạo ra những người biết làm việc thật. Thiết nghĩ, triết lý giáo dục cuối cùng phải là như vậy.
Phương châm giáo dục của tôi đó là dạy thật, học thật. Tôi cực lực chống lại bệnh thành tích trong giáo dục. Ở trường tôi, không bao giờ có chuyện học sinh đi xin điểm giáo viên. Tôi cũng cố gắng đưa chương trình giáo dục gần với thực tế nhất, bớt những cái hàn lâm không cần thiết đi, để trang bị những kỹ năng quan trọng cho các em trong ứng xử cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hoa (Thực hiện)