Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh các Vùng phải luôn xác định bên cạnh công tác trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của lực lượng; phải tổ chức quán triệt và triển khai quyết liệt, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 1389/BQP về công tác này.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tăng cường đấu tranh chống buôn lậu trên biển - Hình 1

Ảnh minh họa

Phải thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển của lực lượng. Nhất là trong bối cảnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép đối với các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, than khoáng sản, thuốc lá, pháo nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các vụ việc được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý chưa phản ánh hết và đúng với tình hình thực tế; số vụ khởi tố, điều tra xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất thấp. Từ đó đề ra các giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Tăng cường giáo dục về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng. Củng cố lực lượng theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực, đề cao vai trò người đứng đầu. Xây dựng và ban hành chế độ, quy trình luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, chiến sỹ tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, chiến sỹ chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển. Kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác này. Quá trình xử lý các vụ việc cụ thể phải có biện pháp nghiệp vụ giám sát, kiểm tra chặt chẽ, không để nảy sinh trường hợp người xử lý vi phạm thông đồng, móc ngoặc với đối tượng vi phạm để kê khai không trung thực về hàng hóa bị thu giữ nhằm hợp thức hồ sơ làm giảm mức vi phạm.

Nhận diện, dự báo kịp thời các thủ đoạn, phương thức buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển để chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh phù hợp, cụ thể; triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tạo sức răn đe, phòng ngừa chung. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 410/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các lực lượng chức năng liên quan, (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan...) làm tốt công tác thu thập, chia sẻ thông tin, điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, địa bàn, phương thức, thủ đoạn để cùng xác lập các chuyên án lớn, làm chuyên sâu và phải mở rộng điều tra sau khi phá án nhằm đảm bảo đánh đúng, đánh trúng các đầu nậu buôn lậu, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, trọng tâm là các đối tượng trong nước.

Kịp thời tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng trong việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách, các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2018.

Theo BCĐ 389