Nhà ga cũ nằm ngay trung tâm Đà Nẵng
Vị trí ga đường sắt mới Đà Nẵng
Nhà ga cũ nằm ngay trung tâm thành phố thêm vào đó việc đón hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm khiến nhà ga rơi vào tình trạng quá tải đồng thời ảnh hưởng đến việc quy hoạch chung của toàn TP. Đà Nẵng. Chính vì thế, nhằm thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng chính phủ đã đồng ý phê duyệt dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng.
Nhà ga đường sắt mới sẽ được xây dựng tại khu vực 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, quận Liên Chiểu TP. Đà Nẵng. Việc di dời ga đường sắt mới ra quận Liên Chiểu không chỉ góp phần nâng tầm phát triển quy hoạch Đà Nẵng về lâu dài mà còn tạo tiền đề phát triển cho cảng nước sâu Liên Chiểu, từ đó thúc đẩy giao thông giữa ga đường sắt với cảng Liên Chiểu.
Hướng tuyến ga đường sắt mới Đà Nẵng
Về hướng tuyến ga đường sắt mới được dự kiến về phía Bắc thành phố là nối với hướng tuyến đường sắt qua hầm Hải Vân, về phía Tây và điểm chập với tuyến cũ ở phía Nam tại khu vực cầu Đỏ. Khi dự án di dời ga đường sắt mới được hoàn thành sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực phía Tây Đà Nẵng nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung. Không chỉ dừng lại ở đó, việc xây dựng ga đường sắt mới cũng giúp giải quyết vấn đề giao thông của cảng Liên Chiểu và khu vực ven biển Sơn Trà.
Phối cảnh nhà ga mới tại quận Liên Chiểu
Hiện nay UBND TP. Đà Nẵng đã đề xuất, báo cáo xin ý kiến Thành ủy thống nhất chủ trương triển khai dự án theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành dự án theo quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP và Nghị định 69/2019/NĐ-CP để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng TP đề xuất thực hiện dự án.
Tổng mức đầu tư (tạm tính) để thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo phương án mới này là 12.636 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%). Trong đó Tiểu dự án 1 di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị là 10.236 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%).
Tiểu dự án này sẽ thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của TP (theo quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT tại Nghị định 69/NĐ-CP ngày 15/8/2019). Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của TP.
Bản đồ xây dựng dự án. Đường màu đỏ: tuyến đường sắt hiện trạng, trong đó B là vị trí nhà ga đường sắt cũ. Đường màu xanh: tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc, trong đó E là vị trí đề xuất đặt nhà ga đường sắt mới
Đối với Tiểu dự án 2, kinh phí (tạm tính) để thực hiện việc đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị là 2.400 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%), sử dụng nguồn vốn ngân sách TP. Đà Nẵng.
Mới đây nhất, ngày 29/11, tại báo cáo 302/BC-UBND về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2019 và Kế hoạch đầu tư công năm 2020 trình kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2019 (dự kiến diễn ra từ ngày 10 – 12/12), Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho hay: “Dự án đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo và ý kiến của Bộ GTVT thống nhất nguồn vốn thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP)”.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết đã giao Sở GTVT phối hợp với Sở KH-ĐT làm việc với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan thống nhất cụ thể phương án đầu tư, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện.
Hoàng Hữu Quyết