Liên quan đến Công ty Nhật Cường, rất nhiều quan chức đã “dính chàm”. Đó là nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung; nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tứ.

8h, tại hội trường xét xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, HĐXX vụ án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường đã chính thức bắt đầu. Vì Viện Kiểm sát kháng nghị, đưa Công ty Nhật Cường vào tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Tòa đã gửi giấy triệu tập đến tham dự phiên tòa. Thế nhưng, theo thông báo từ HĐXX, đại diện Công ty Nhật Cường được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vắng mặt. Sau khi hội ý nhanh, HĐXX quyết định tiếp tục làm việc. Lý do, sự vắng mặt của đại diện Công ty Nhật Cường không làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án.

 Bị cáo Trần Ngọc Ánh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh VOV.vn.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Trần Ngọc Ánh, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, chấp nhận bản án toà sơ thẩm đưa ra. Tuy nhiên, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường cho rằng, bản án 13 năm tù là hơi nặng.

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Ánh nói mình chỉ là người làm thuê, không được hưởng bất cứ đồng nào từ việc buôn lậu. "Bị cáo không thể chịu trách nhiệm thay ông chủ Bùi Quang Huy đã bỏ trốn", bị cáo Ánh trình bày.

Tại tòa, bị cáo Ánh đề nghị HĐXX xem xét lại phần ăn năn hối lỗi của bản thân. "Sau khi bị bắt, bị cáo ý thức được hành vi của mình, bị cáo đã viết bản tường trình, phối hợp với cơ quan điều tra sớm kết thúc vụ án. Gia đình có bố mẹ đều là người có công với cách mạng, bố là thương binh. Bị cáo xin hưởng khoan hồng dù chỉ 01 ngày, 01 tuần để chăm sóc cha sau này", cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường nói trước toà.

Bị cáo Trần Ngọc Ánh trình bày tại tòa: “Lúc đầu được nhận vào làm việc tại công ty Nhật Cường với vị trí kỹ thuật. Đến khoảng năm 2014-2015, tức là hơn chục năm sau, bị cáo được giữ chức Phó Tổng Giám đốc”. Tuy nhiên, trả lời các luật sư bào chữa, bị cáo Ánh liên tục khẳng định, bản thân chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi phát sinh từ việc buôn lậu của Nhật Cường.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Ánh 13 năm tù về tội Buôn lậu, buộc nộp gần 70 tỷ đồng thu lợi bất chính.

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian từ tháng 01/2014 đến tháng 05/2019, Bùi Quang Huy trực tiếp và chỉ đạo các nhân viên Công ty Nhật Cường thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm điện thoại di động và thiết bị điện tử, tổng trị giá thanh toán trên 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông, Trung Quốc.

 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh Vietnampus.

Các đối tượng sau đó thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ. Thông qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ của Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỷ đồng.

 Q.N/Theo VOV.vn