(TH&CL) Tại các chợ và tuyến phố trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại rất nhiều hàng quán kinh doanh mặt hàng ăn uống liên quan đến gia cầm, được bày bán tràn lan, bất chấp những khuyến cáo trước tình hình dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lan rộng.
Dọc theo tuyến phố Nghĩa Tân có rất nhiều hàng quán chuyên bán đủ các món ăn từ gia cầm mở ra từ sáng sớm cho đến tận khuya. Chị Liên, một chủ quán ăn trên phố chia sẻ: “Quán mình lấy ngan, gà, vịt ở quê, chỗ người thân ruột thịt nên không lo sợ bị dịch cúm. Trời lạnh nên các món lẩu hay vịt nướng, đặc biệt là tiết canh vịt, ngan vẫn bán rất chạy hàng”.
Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì: Các hộ gia đình nuôi gia cầm tự phát, không qua kiểm dịch thú y nên rất khó kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Cúm gia cầm rất dễ lây từ gia cầm sang người, vì thế việc không tuân thủ kiểm dịch thú y - sẽ dẫn tới nguy cơ gia cầm mắc bệnh và có thể lây sang người.
Dù đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhưng tại các chợ và phường trong nội thành vẫn còn gặp phải không ít khó khăn khiến công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch cúm gia cầm và các loại bệnh nguy hiểm khác trên vật nuôi bị hạn chế. Hầu khắp các chợ vẫn có hiện tượng lén đưa gà thịt từ bên ngoài vào, nhiều gà vịt vẫn không có giấy chứng minh nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch. Thậm chí, tại chợ Dịch Vọng Hậu, hiện tượng làm gà sống ngay bãi đất trống cạnh chợ rồi đưa vào chợ vẫn xảy ra. Bà Trương Thị Hường, Phó ban quản lý chợ Đồng Xa bộc bạch: “Ban quản lý chợ chỉ kiểm tra, giám sát được hoạt động buôn bán, giết mổ trong phạm vi khuôn viên của chợ, ngoài phạm vi đó là do phường trực tiếp quản lý. Nếu phường không phối hợp lập trạm kiểm soát lưu động thì chúng tôi cũng đành chịu”.
Công tác chống dịch cúm lại càng khó khăn khi ban quản lý các chợ không có công cụ, phương tiện thiết bị để kiểm tra mà toàn kiểm tra bằng cảm quan. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổ trưởng quản lý ngành hàng chợ Nghĩa Tân băn khoăn: “Cán bộ trong Ban quản lý chợ không có trang thiết bị cũng như kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ nào để kiểm tra dịch bệnh nên dù phát hiện nghi vấn cũng đành bó tay. Việc này càng khó khăn bội phần khi có dịch xảy ra. Những lúc ấy, chỉ còn cách liên hệ, báo cáo trực tiếp với cán bộ thú y quận để đến kiểm tra và xử lý nếu đúng vi phạm. Điều này cũng rất bất cập vì thực tế, lực lượng cán bộ thú y quận rất mỏng, phải dàn trải đi khắp các phường, kết hợp với cán bộ địa phương thực hiện công tác kiểm dịch, sau đó bằng cảm quan nghi ngờ sản phẩm mắc dịch thì ban quản lý chợ cũng khó để xử lý”.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ cần sớm tăng cường lực lượng giám sát cho địa bàn cơ sở để công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch được thuận lợi, bài bản hơn, nhất là trong giai đoạn dịch cúm gia cầm và nhiều loại bệnh nguy hiểm khác trên vật nuôi đang bùng phát mạnh như hiện nay.
Hoan Nguyễn - Đình Sơn