Bến bãi hoạt động nhiều “không”

Ghi nhận PV dọc tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Chảy (Phú Thọ), có hàng loạt bến, bãi hoạt động kinh doanh cát, sỏi, gỗ nguyên liệu giấy, gỗ bóc … gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, bờ sông, đê điều, ảnh hưởng cuộc sống của người dân, gây bức xúc dư luận.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều bến bãi tự thuê đất của hộ dân, chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã tự ý san gạt làm nơi tập kết vật liệu. Đáng lo ngại, vị trí bến bãi tập kết nằm sát mép sông, gần sát chân đê, các công trình trọng yếu, cạnh nhà dân với diện tích lớn đến hàng nghìn m2. Ngoài ra, chủ bến bãi còn múc vật liệu lên các xe cơi nới thành thùng, quá trọng tải; bắc ống hút cát ngang nhiên trên dòng sông làm ảnh hưởng lưu thông tàu, thuyền. Cá biệt, có hộ còn đổ đất, đổ bê tông đắp nền vi phạm Luật Đê điều, lấn đường giao thông,... khiến cho lòng sông đang dần bị thu hẹp, cản trở dòng chảy, uy hiếp sự an toàn của đê điều. Đáng chú ý, tình hình an ninh trật tự tại nhiều bến bãi diễn biến khá phức tạp; khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc, kinh doanh cát, sỏi; giấy phép sử dụng vùng nước, cam kết bảo vệ môi trường…

Điển hình, tại xã Đông Khê (Đoan Hùng) tồn tài nhiều bến bãi với quy mô lớn nhỏ khác nhau ngang nhiên hoạt động không phép từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương chưa thể xử lý dứt điểm.

Phú Thọ: Giải 'bài toán' hàng loạt bến bãi không phép hoạt động rầm rộ - Bài 1: 'Vướng mắc' cơ chế - Hình 1

Hàng loạt bến bãi "nhiều không" ngang nhiên hoạt động rầm rộ tại Phú Thọ

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê, trên địa bàn đang có 3 bến bãi (Bến Cầu Úa của hộ ông Nguyễn Văn An, bến Công ty CP Xây dựng đô thị Phú Thọ của hộ ông Lê Qúy Hùng (đại diện quản lý) và bến Đông Khê của hộ bà Nguyễn Thị Lan) đều hoạt động không phép, có những sai phạm: không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; không có quyết định xây dựng các hạng mục công trình trên bến; không có kế hoạch bảo vệ môi trường; vi phạm hành lang an toàn các công trình; không có quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất…

“Thẩm quyền của xã Đông Khê phát hiện, đôn đốc kiểm tra, nhắc nhở và báo cáo gửi cơ quan thẩm quyền cao hơn để xử lý. Mặc dù, các cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử lý hành chính nhưng đến nay bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động, chính quyền chưa có biện pháp hay chế tài mạnh xử lý những vi phạm cụ thể!”, ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Hùng Luân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đoan Hùng khẳng định: Trong vài năm trở lại đây, các bến bãi không phép mọc lên nhiều, rất khó kiểm soát. Cá nhân, tổ chức hoạt động bến bãi không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, làm thất thu một khoản cho ngân sách. Thực tế hoạt động bến bãi đang có rất nhiều vi phạm, có bến bãi không có bất cứ một giấy phép nào nhưng vẫn hoạt động nhiều năm mà không bị kiểm soát, di dời hoặc cấm hoạt động.

Có thể thấy, những vi phạm của các bến bãi xuất phát từ nhu cầu mở bến bãi để kinh doanh phát triển kinh tế của nhân dân là lớn, nhưng sự buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương khi sai phạm bị phát hiện không được xử lý kịp thời bằng chế tài mạnh đã để hoạt động bến bãi không phép nở rộ trong thời gian dài.

Bất cập quản lý

Được biết, tháng 10/2017, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định số 2657/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quan điểm quy hoạch của tỉnh: quy hoạch bến thủy nội địa theo hướng sắp xếp lại hệ thống bến thủy nội địa hiện có, đồng thời xây dựng các bến mới nhằm phát huy lợi thế vận tải đường thủy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, môi trường trên địa bàn.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ thông tin, mới đây Sở phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tổng kiểm tra các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Đã kiểm tra 157 bến cảng tập kết vật liệu, bốc xếp hàng hóa trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Đà, trong đó có 144 bến có trong quy hoạch, 13 bến mới phát sinh, không có trong quy hoạch. Đáng chú ý trong 109 bến đang hoạt động phát hiện 52 bến không phép, 28 bến giấy phép hoạt động đã hết hạn. Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 71 bến với số tiền xử phạt 585 triệu đồng.

Tại huyện Đoan Hùng, hiện có 51 bến thủy nội địa hoạt động (sông Lô có 20 bến, sông chảy có 31 bến). Trong đó, rất ít bến được cấp phép hoạt động; có 37 bến hoạt động không phép, nhiều bến đã hết hạn giấy phép nhưng không hoặc chưa được gia hạn vẫn vô tư hoạt động.

Phú Thọ: Giải 'bài toán' hàng loạt bến bãi không phép hoạt động rầm rộ - Bài 1: 'Vướng mắc' cơ chế - Hình 2

Bến Công ty CP Xây dựng đô thị Phú Thọ (Xã Đông Khê) hoạt động rầm rộ không phép

Ông Nguyễn Hùng Luân cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 huyện Đoan Hùng sẽ có 37 bến đang hoạt động đưa vào quy hoạch, 14 bến đang hoạt động  đưa ra khỏi quy hoạch, 3 bến quy hoạch mới.

“Tại huyện Đoan Hùng, kế hoạch đặt ra, đến hết tháng 6/2018 sẽ xử lý dứt điểm các bến bãi trái pháp luật. Huyện sẽ tiến hành thực hiện quy hoạch bến bãi theo phê duyệt của tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này (14/6 - PV) huyện chưa thể hoàn thành kế hoạch này và sẽ có báo cáo gửi tỉnh về việc xin “kéo dài” thời gian xử lý”, ông Luân nói.

Cũng theo ông Luân, dù đã được quy hoạch nhưng tình trạng bến bãi hoạt động không phép vẫn ngang nhiên do có sự bất cập công tác quản lý. Theo đó, về nguyên tắc, bến thủy nội địa chỉ được hoạt động khi hoàn tất các thủ tục quy định: Giấy phép hoạt động bến bãi do Sở Giao thông vận tải của tỉnh cấp; quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho biết khi gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động đến Sở Giao thông vận tải thì bị yêu cầu phải có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền mới cấp phép hoạt động bến thủy. Trong khi đó, thực hiện quy định pháp luật về đất đai, việc giao đất thực hiện khi tổ chức, doanh nghiệp đã được Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép hoạt động hoạt động bến thủy. Do đó, chính quyền địa phương đang lúng túng trong thực hiện quy hoạch do bất cập về quy định trình tự, thủ tục chấp thuận đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. 

“Quan điểm của huyện là sớm xử lý dứt điểm bến bãi đang hoạt động phải đưa ra khỏi quy hoạch vì không phù hợp với tiêu chí quy hoạch bến mới, nằm trong hành lang bảo vệ đê, kè, sát miệng cống thủy lợi, công trình thủy lợi… Với bến đang hoạt động đã đưa vào quy hoạch nhưng chưa được cấp phép, huyện sẽ làm báo cáo cụ thể những khó khăn, bất cập lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn để xin cơ chế xử lý”, ông Luân cho biết.

Thiết nghĩ, để chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bến bãi trên các tuyến sông ở Phú Thọ hiện nay, bên cạnh những quy hoạch bến bãi có tính lâu dài của cấp tỉnh, thì các ngành chức năng, địa phương, nhất là cấp cơ sở cần căn cứ vào nhiệm vụ được phân cấp và những chế tài cụ thể trong Luật đất đai, Luật đường thủy nội địa, Luật đê điều, Luật môi trường,... thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bến bãi, kịp thời nhắc nhở, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới hạn chế tình trạng vi phạm, lập lại trật tự trong kinh doanh bến bãi và góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương một cách lành mạnh, hiệu quả.

THCL sẽ tiếp tục thông tin!

Hoan Nguyễn