Những hệ lụy khôn lường

Xuất phát từ tiềm năng khoáng sản cát, sỏi nhằm phục vụ hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đến tháng 10/2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp 21 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, gồm: Sông Hồng (8 giấy phép); sông Lô (4 giấy phép); sông Đà (5 giấy phép); sông Chảy (2 giấy phép); sông Bứa (2 giấy phép).

Do nhu cầu về cát, sỏi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công nghiệp và dân dụng… ngày càng gia tăng, theo đó hoạt động cát, sỏi trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Ngoài những DN được cấp UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, nhiều đối tượng không được cấp phép nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, lén lút khai thác trái phép, nhất là vào thời điểm ban đêm ở những địa bàn giáp ranh, gây biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Phú Thọ: Khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bức xúc - Hình 1

Hoạt động khai thác cát trái phép tại địa phận xã Trưng Vương (TP. Việt Trì) gây sạt lở đất đai (Ảnh: Hoan Nguyễn)

Toàn tỉnh hiện có 26 mỏ đá được cấp phép, trong đó có 8 mỏ đang hoạt động ổn định, còn lại là hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản của các DN ở các điểm mỏ thời gian qua gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Tại huyện Thanh Sơn, khoáng sản đa dạng với các chủng loại (quặng sắt, cao lanh, đá xây dựng, cát, sỏi…), có 33 DN được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ với tổng diện tích gần 420 ha, trong đó có 21 giấy phép còn hiệu lực, 12 giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản của các DN hiện nay đã và đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết: Ý thức chấp hành pháp luật của một số DN khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản còn hạn chế, đặc biệt về bảo vệ môi trường, chưa đánh giá kịp thời tác động đối với môi trường đất; chưa quan tâm đào tạo, sử dụng lao động địa phương và thực hiện quy định của pháp luật về lao động; còn xảy ra tình trạng khai thác, thu gom quặng trái phép; một số DN khai thác đá sử dụng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu làm hạn chế năng suất và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.

Một số DN khai thác quặng cam kết đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị, nhưng thực tế chưa thực hiện, chủ yếu mới chế biến thô, gây lãng phí tài nguyên; tình trạng các phương tiện trọng tải lớn vận chuyển đá, quặng đã và đang hủy hoại nhiều tuyến đường, trong đó có những tuyến đường Nhà nước đầu tư, gây nguy cơ mất an toàn giao thông; có biểu hiện diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, gây bức xúc cho người dân các địa phương.

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cử tri về việc khai thác đá của các DN gây bụi, đá văng, nổ mìn gây rung chấn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất của người dân. Bà Lê Thị Quý (xóm Khoang, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn) cho biết: “Điểm mỏ khai thác đá của DN xây dựng Xuân Trường, rất gần với gia đình. Nhiều khi đá khai thác bắn vào nhà làm vỡ mái phi-blô-xi măng, hỏng đồ dùng sinh hoạt, nứt tường, bụi bẩn; trẻ nhỏ hay bị bệnh về đường hô hấp…”.

Phú Thọ: Khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bức xúc - Hình 2

Nhiểu điểm mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân (Ảnh: Hoan Nguyễn)

Cùng với hoạt động ở các mỏ đá, việc khai thác quặng sắt, đất sét, cao lanh… tại các điểm mỏ khác trên địa bàn tỉnh làm nhiều núi, đồi bị đào dựng đứng, sâu hoắm, nham nhở, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng của người dân.

Đặc biệt, theo ghi nhận của PV, từ năm 2017 đến nay, tại nhiều huyện (Đoan Hùng, Thanh Thủy, Thanh Ba, Hạ Hòa…) có tình trạng lợi dụng việc san gạt mặt bằng, hạ cốt nền, người dân đã thỏa thuận với các đối tượng có nhu cầu thu mua cao lanh. Sau đó, các hộ dân có đất sẽ làm đơn xin cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho san gạt mặt bằng, hạ cốt nền. Từ đó, đối tượng có nhu cầu thu mua sẽ đưa máy, ô tô vào thực hiện hạ cốt nền, san gạt - bản chất là khai thác cao lanh?

Cao lanh khai thác được vận chuyển khỏi địa bàn đi tiêu thụ, hoặc trong quá trình san gạt cốt nền sẽ báo với chính quyền việc phát hiện khoáng sản cao lanh để cơ quan chức năng lập biên bản, thu giữ. Sau đó, chính các đối tượng “khai thác” sẽ tham gia đấu giá để mua được lượng cao lanh đã “khai thác” và mang đi tiêu thụ. Nghiêm trọng hơn, tài nguyên khoáng sản khai thác trái phép được đưa vào xưởng chế biến hoạt động không phép ngay trên địa bàn, nhưng chính quyền địa phương chưa vào cuộc xử lý dứt điểm.

Phú Thọ: Khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bức xúc - Hình 3

Thời gian qua, tình trạng khai thác cao lanh trái phép diễn ra ồ ạt tại địa bàn tỉnh (Ảnh: Hoan Nguyễn)

Quyết liệt nhiều giải pháp

Xác định khai thác và chế biến khoáng sản mang lại tiềm năng kinh tế lớn, tỉnh Phú Thọ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp quản lý nhà nước về khoáng sản. Đặc biệt, từ khi Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Đầu năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 299 về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nêu rõ, cấm hơn 80.900 ha, tạm thời cấm hơn 26.300 ha tại các khu vực đất di tích lịch sử văn hóa, đất an ninh - quốc phòng, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, hạ tầng thủy lợi, đê điều, hành lang an toàn lưới điện cao áp...

Ngày 27/2, UBND tỉnh có Quyết định số 431 về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, đã làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Để giảm bớt những bất cập trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý ở tỉnh cần có biện pháp để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, gồm Nhà nước, DN và cộng đồng.

Cùng với đó, cần sớm công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản, gồm: Diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn thu từ khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi người dân nơi có khoáng sản. Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản.

Tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ quan, các cấp quản lý hoạt động khoáng sản, cũng như công tác phối hợp giữa sở, ngành với UBND huyện, UBND xã trong công tác thanh tra, kiểm tra, công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Chấn chỉnh lại công tác cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Những dự án chậm tiến độ, khai thác không có hiệu quả, làm ảnh hưởng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội thì không cấp gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản.

Hoan Nguyễn