Thu hồi đất giá “rẻ như bèo” giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng
Phản ánh tới Thương hiệu và Công luận, nhiều hộ dân ở xã Vạn Xuân, xã Lam Sơn (huyện Tam Nông, Phú Thọ) bức xúc, đất được cấp chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) nhưng chưa nhận được quyết định thu hồi đất, chưa được chi trả tiền đền bù đã bị Công ty TNHH Thương mại và dịch Lân Huế (Công ty Lân Huế) ồ ạt san lấp ruộng đất để thi công dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân.
Tiến độ dự án thực hiện dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân: Từ tháng 10/2021 - 11/2021 triển khai thủ tục theo quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai; tháng 11/2021 - 12/2023 triển khai đầu tư xây dựng; từ tháng 12/2023 tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào sử dụng.
Trên thực tế, sau khi được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trương đầu tư, công ty Lân Huế rầm rộ thi công xây dựng dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân trong khi huyện Tam Nông vẫn đang thực hiện kế hoạch thu hồi đất, đo đạc, kiểm đếm bồi thường tái định cư.
Nhiều hộ dân có đất trồng lúa bị thu hồi chưa được nhận tiền đền bù đã bị công ty Lân Huế đưa máy móc vào thi công, san lấp ruộng gây bức xúc. Bên cạnh đó, các hộ dân có đất trồng rừng sản xuất bị thu hồi không đồng ý mức giá bồi thường đưa ra 14.400 đồng/m2. Đồng thời kiến nghị, nhà nước thu hồi đất giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp thì chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận bồi thường với người dân, xem xét đến yếu tố giá cả thị trường, tình hình thực tiễn tại địa phương, những khó khăn của người dân, để hài hòa lợi ích.
Ông Nguyễn Văn Giới (khu 18, xã Vạn Xuân) bức xúc, gia đình ông không nhận được quyết định thu hồi đất, chỉ được chính quyền xã Vạn Xuân gửi thông báo thu hồi đất với diện tích 2,3 ha đất (gồm 0,5 ha đất trồng lúa và 1,8 ha đất trồng rừng sản xuất được cấp sổ đỏ) để làm dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân. Tuy nhiên, gia đình chưa nhận được tiền đền bù nhưng đã bị chủ đầu tư san phẳng “bờ xôi ruộng mật”, làm hủy hoại, thay đổi hiện trạng đất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thao (khu 18, xã Vạn Xuân), năm 2000 ông được UBND huyện Tam Nông cấp chứng nhận quyền sử dụng 1,5 ha đất trồng rừng, thời hạn 50 năm. Thực hiện thông báo thu hồi đất của huyện Tam Nông để làm Cụm công nghiệp Vạn Xuân, gia đình ủng hộ. Tuy nhiên, tôi không nhận được quyết định thu hồi đất và không đồng ý việc áp giá đất rừng đền bù 14.400 đồng/m2. Bên cạnh đó, gia đình ông còn bị thu hồi 850 m2 đất trồng lúa với mức giá 55.320 đồng/m2 nhưng cũng chưa được nhận đền bù đã bị máy móc san lấp.
Ông Thao trăn trở, đất là tư liệu sản xuất để người nông dân trồng trọt sản xuất, mang lại thu nhập, trang trải sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Giờ đây, doanh nghiệp lấy đất - “kế sinh nhai” của người dân mà chỉ đền bù giá rẻ mạt 14.400 đồng/m2 - không bằng một cái bánh mỳ, không mua nổi một một bát phở, hỏi quyền lợi của người nông dân ở đâu, cuộc sống sẽ đi đâu về đâu khi mất đất canh tác!?.
Trưởng khu 18 xã Vạn Xuân - Nguyễn Đức Ninh thông tin, khu 18 có hơn 30 hộ bị thu hồi đất làm dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân. Các hộ dân đồng ý việc đo đạc, kiểm kê đất, cây cối, hoa màu và mức giá bồi thường đất trồng lúa. Tuy nhiên, không đồng ý việc áp giá đền bù đất rừng sản xuất, vì quá thấp. Hiện chủ đầu tư đưa máy móc vào san lấp, xây dựng dự án khi chưa chi trả đền bù cho bà con gây bức xúc.
Cũng liên quan đến việc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân, 19 hộ dân (thường trú ở xã Vạn Xuân) có đất canh tác sản xuất tại khu vực suối 1, suối 2 thuộc xã Lam Sơn từ năm 1978 đến nay, làm đơn tập thể gửi UBND huyện Tam Nông phản ánh công ty Lân Huế đưa máy móc vào san lấp ruộng đất nhưng người dân chưa được bồi thường và đề nghị chính quyền đình chỉ hoạt động thi công của chủ đầu tư, xác định hỗ trợ bồi thường đất cho người dân theo quy định pháp luật.
Giao đất "một đằng làm một nẻo"
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân Triệu Công Hoan, cho biết: UBND xã đang phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Tam Nông thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân. Tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về việc chưa nhận được tiền đền bù; chưa đồng ý giá đền bù đất rừng sản xuất, chúng tôi sẽ tổng hợp, làm báo cáo gửi lên UBND huyện Tam Nông đề nghị sớm chi trả tiền cho người dân và xem xét nâng giá sàn đất rừng sản xuất để hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông khẳng định, công ty Lân Huế được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn ký quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 29/1/2022 về việc thu hồi diện tích 419.336,1 m2 (gần 42 ha) đất trồng rừng sản xuất tại xã Lam Sơn, xã Vạn Xuân và chuyển mục đích đất thu hồi này sang đất cụm công nghiệp, giao cho công ty Lân Huế thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Vạn Xuân đợt 1.
“Như vậy công ty Lân Huế chỉ được phép thực hiện thi công xây dựng dự án trong diện tích gần 42 ha đất đã được tỉnh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng và giao đất. Công ty Lân Huế không được thi công xây dựng san lấp vào đất ruộng, đất rừng của người dân vì chưa được thu hồi, chuyển mục đích và giao đất. Chúng tôi sẽ khẩn trương kiểm tra việc công ty Lân Huế san lấp vào đất ruộng của bà con và đề nghị chi trả ngay tiền đền bù cho các hộ bị thu hồi đất. Về giá thu hồi đất rừng, bà con kiến nghị quá thấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thì đây là mức giá quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ. Hội đồng đền bù, bồi thường, tái định cư của huyện Tam Nông chỉ biết căn cứ vào để triển khai thực hiện”, ông Hùng nói.
Công ty Lân Huế rầm rộ thi công dự án vào đất đang canh tác của người dân chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, chuyển mục đích sử dụng; việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, giao đất cho công ty Lân Huế làm cụm Công nghiệp đã thực hiện đúng các quy định pháp luật cần sự vào cuộc thanh kiểm tra khẩn trương của cơ quan chức năng, UBND tỉnh Phú Thọ.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Hoan Nguyễn