Ngày 15/4/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố Chỉ số PCI 2020. Tỉnh Phú Thọ đạt 64,52 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2019 và đứng thứ 3 trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo kết quả chi tiết 10 chỉ số thành phần PCI 2020, Phú Thọ có điểm chỉ cao nhất là chỉ số Gia nhập thị trường đạt 8,12 điểm, tăng 0,95 điểm; chỉ số Chi phí thời gian đạt 7,58, tăng 1,15 điểm; chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đạt 7,14 điểm, tăng 1,47 điểm; chỉ số Chi phí không chính thức đạt 6,67 điểm, tăng 0,88 điểm; chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 7,42 điểm; chỉ số Đào tạo lao động đạt 7,12 điểm; chỉ số Tiếp cận đất đai đạt 6,78 điểm; chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 6,76 điểm; Tính minh bạch đạt 5,69 điểm; chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,17 điểm.

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp; trong đó, có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương trên khắp cả nước.
Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.
Điều tra PCI 2020 cũng cho thấy, mức độ thích ứng khá cao của doanh nghiệp Việt Nam trước đại dịch và đó là những nỗ lực xứng đáng được ghi nhận của các địa phương trong việc duy trì sự ổn định và thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 14/4/2021, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Chỉ số PAPI 2020. Tỉnh Phú Thọ đạt 42.34 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019.

Theo đó, ở chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, tỉnh Phú Thọ đứng trong nhóm các tỉnh cao nhất cả nước với 5.34 điểm. Các chỉ số: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6.91 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7.48 điểm; công khai, minh bạch đạt 5.35 điểm; cung ứng dịch vụ công đạt 6.96 điểm; quản trị môi trường đạt 2.99 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4.67 điểm; quản trị điện tử đạt 2.64 điểm.
Trong đó, có 2 chỉ số tăng điểm so với năm 2019, gồm: Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 0.11 điểm và Chỉ số quản trị điện tử tăng 0.09 điểm Chỉ số “Quản trị điện tử” là chỉ số nội dung mới từ năm 2018 và tiếp tục được bổ sung, sửa đổi trong năm 2020. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt điểm thấp ở chỉ số nội dung “Quản trị điện tử" Đà Nẵng đạt điểm cao nhất toàn quốc ở chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”, mặc dù chỉ đạt 3,60 điểm trên thang đo từ 1 đến 10 điểm.
PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Báo cáo PAPI năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.424 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 308 người có hộ khẩu tạm trú ở 6 tỉnh, thành phố có tỉ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh).
Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với chương trình nghiên cứu PAPI do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp tại miền Trung. Song, nhờ sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan đồng thực hiện PAPI, gồm Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, khảo sát PAPI 2020 đã thành công dù chậm hơn so với thường lệ 1 tháng.
PV