Theo Vietnam Report đánh giá, qua hơn 30 năm hoạt động, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã không ngừng phát triển, mở rộng, là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Thương hiệu PV GAS đã trở nên thân thuộc, trở thành nhà cung cấp năng lượng chiến lược cho hầu khắp các hộ công nghiệp điện, đạm, thép và nhiều ngành công nghiệp, giao thông vận tải, lương thực, thương mại và dân dụng với uy tín và chất lượng đảm bảo. Mục tiêu chiến lược của PV GAS là phát triển trở thành một trong những ngành công nghiệp đầu tàu trong nền kinh tế, từng bước vươn ra thị trường quốc tế, xếp thứ hạng cao trong khu vực ASEAN và có tên trong các thương hiệu khí mạnh của Châu Á. Nhiều năm liền, PV GAS luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Vietnam Report cho biết, BSR là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Việc xây dựng thành công và đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hàng năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất ra khoảng 6,5 triệu tấn sản phẩm các loại và đáp ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Cho đến nay, các sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có mặt trên thị trường hơn 12 năm, phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trong nước, nhưng rất ít người biết rằng, những sản phẩm này có chất lượng cao hơn hẳn so với quy định. Chất lượng các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được quản lý theo quy trình khép kín, các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải đạt các tiêu chuẩn sản phẩm của Việt Nam và quốc tế.
Cùng với Petrovietnam, PV GAS, BSR, rất nhiều doanh nghiệp Dầu khí có tên trong bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2022 gồm: PVFCCo (xếp thứ 44); Vietsovpetro (53); PV Power (71); PVCFC (75); PVI (117); PVTrans (126); PVOIL (144); PTSC (151); PVI (161); PETROSETCO (253); PV GAS D (301); PTSC M&C (358); PSD (406); PVI Re (418); Nhật Việt Trans (479). Những kết quả này một lần nữa khẳng định hiệu quả hoạt động của Petrovietnam trong những năm qua, với tình hình tài chính lành mạnh cùng năng lực quản trị biến động linh hoạt, được đánh giá và công nhận khách quan bởi nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước.
Trải qua 06 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững, Bảng xếp hạng PROFIT500 đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc ghi nhận một cách xứng đáng đóng góp của những doanh nghiệp hàng đầu – rường cột phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, doanh nghiệp đứng trước bài toán giá cả và chi phí khi áp lực lạm phát ngày một gia tăng, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn bao giờ hết.
Từ đó, Bảng xếp hạng PROFIT500 góp phần giới thiệu và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Khảo sát các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam do Vietnam Report thực hiện trong tháng Tám vừa qua cũng ghi nhận sự phục hồi rất tích cực. Trên 2/3 số doanh nghiệp cho biết doanh thu đã quay trở lại hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát. Đáng chú ý, hoạt động quản lý chi phí của doanh nghiệp tỏ ra khá hiệu quả khi trong nhóm doanh nghiệp vượt và đạt mức doanh thu chỉ có khoảng 6,2% số doanh nghiệp chưa đạt mức lợi nhuận trước đại dịch.
Có thể thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp PROFIT500 nói riêng đã và đang thể hiện bản lĩnh vững vàng trên con đường phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Thái Sơn