Nhận thức được điều đó, ngành Dầu khí Việt Nam đã tập trung chuyển dịch phát triển năng lượng theo hướng xanh, sạch. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) trên cương vị là đơn vị nòng cốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực điện đã, đang từng bước “xanh hóa” theo đúng chiến lược đề ra.
Được thành lập ngày 17/5/2007, trải qua hơn 17 năm xây dựng và phát triển, PV Power giờ đây đã trở thành một thương hiệu mạnh, có uy tín trong và ngoài nước, là đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong lĩnh vực sản xuất điện khí; quy mô doanh nghiệp lớn và đã trở thành bạn hàng tin cậy của các đối tác trong và ngoài nước; là một trong năm lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính có hiệu quả và tiềm năng phát triển tốt của Tập đoàn.
Những ngày đầu thành lập, với số vốn điều lệ 7.600 tỷ đồng, PV Power đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách song với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Tập đoàn Dầu khí cũng như quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên PV Power, lần lượt là các nhà máy đã hòa vào điện lưới quốc gia: Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, Nhà máy thủy điện Hủa Na, Đăkđrinh, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Với 7 nhà máy, tổng công suất phát là 4.205MW, các nhà máy điện của PV Power từ thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí chu trình hỗn hợp đã và đang vận hành ổn định cung cấp điện lên lưới điện quốc gia với tổng sản lượng điện sản suất và cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 250 tỷ MWh điện.
Tính đến nay, kết quả sản xuất kinh doanh của PV Power luôn duy trì đà tăng trưởng tích cực, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ hằng năm. Các chỉ số tài chính an toàn tuyệt đối, đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn bền vững.
Sự đóng góp các nguồn điện liên tục, ổn định từ các nhà máy điện của Tổng công ty trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước và phục vụ đời sống nhân dân. Đây là nhân tố quan trọng trong việc tạo lập thị trường điện cạnh tranh ở nước ta.
PV Power cũng là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực điện Việt Nam thực hiện thành công đấu giá cổ phiếu ra công chúng (IPO), thu về cho Ngân sách Nhà nước thặng dư hơn 2.300 tỷ đồng; hiện tại có hơn 16.000 cổ đông và cổ phiếu POW luôn hấp dẫn nhà đầu tư, có khối lượng giao dịch lớn trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE).
Nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc trong tương lai, PV Power hiện đang nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhiều dự án điện mới, với quy mô công suất lớn.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, điện khí LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Trong những năm tới, PV Power sẽ tập trung chuyển dịch năng lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường; phát huy vị thế vốn có trong lĩnh vực điện khí để tăng cường hợp tác và phát triển các dự án điện khí LNG.
Nổi bật nhất là Dự án Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến lần lượt đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 và giữa năm 2025. Tổng công suất 2 nhà máy này là 1.624 MW với vốn đầu tư khoảng 1,4 tỉ USD. Dự án sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu có công suất lớn đầu tiên ở Việt Nam, góp phần thực hiện “Cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và mang trọng trách vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, đặc biệt là tại khu vực miền Nam, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam.
Cùng đó là Dự án điện khí LNG Quảng Ninh có công suất dự kiến 1.500 MW đang triển khai lập dự án đầu tư và phấn đấu đấu thầu EPC trong năm 2024, phát điện vào năm 2028-2029. Phấn đấu đến năm 2035, tổng công suất của PV Power đạt 5.760-9.560 MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 30-47 tỉ kWh, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân 3-4%.
Trong chiến lược phát triển, giai đoạn từ nay đến năm 2025, PV Power sẽ thông qua hợp tác để triển khai đầu tư các dự án, trong đó dự án điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời lòng hồ, điện gió... có công suất khoảng 55 MW.
Trong 10 năm tiếp theo, PV Power tập trung tìm kiếm, nghiên cứu góp vốn đầu tư với mục tiêu đến năm 2035 tham gia đầu tư thêm 1.000 MW năng lượng tái tạo (trong đó phấn đấu 800 MW được đưa vào vận hành). PV Power luôn đề ra các biện pháp quản trị rủi ro về môi trường, lao động, xã hội nhằm đảm bảo các giá trị lợi ích kinh tế bền vững.
Nhận thức chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ, PV Power luôn hướng đến các giải pháp, sáng kiến nhằm hướng tới việc giảm phát thải tại các nhà máy, đáp ứng mục tiêu “xanh vì môi trường”.
Chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ. Nhận thức được điều đó, là doanh nghiệp sản xuất năng lượng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của PV Power luôn hướng đến các giải pháp, sáng kiến nhằm hướng tới việc giảm phát thải tại các nhà máy, đáp ứng mục tiêu “xanh vì môi trường”.
Do đặc điểm là nhà máy điện sử dụng lượng nhiên liệu rất lớn và lượng phát thải khí nhà kính cũng rất lớn, PV Power đặc biệt tập trung tìm giải pháp giảm thiểu phát thải hiệu quả. Từ nay đến năm 2030, PV Power đặt mục tiêu có 12 giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện tại các nhà máy điện và theo tính toán của Petrovietnam, dự kiến sẽ giảm thiểu được 160.884 tấn CO2e trong giai đoạn 2018-2025 và 72.150 tấn CO2e trong giai đoạn 2026-2030. Các giải pháp đăng ký đa phần thuộc giải pháp tiết kiệm, giảm thiểu năng lượng sử dụng trong sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời.
Để phát triển bền vững, trong thời gian tới, PV Power sẽ ưu tiên và khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Petrovietnam.
Bên cạnh đó, lựa chọn sử dụng công nghệ mới nhất khi đầu tư nhà máy mới, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các loại nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế và các công nghệ giảm thiểu phát thải tiên tiến khác để kịp thời đáp ứng chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải ròng của Chính phủ.
Quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án LNG, năng lượng tái tạo trong giai đoạn hiện nay tuy có nhiều thuận lợi từ các cơ chế chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, song PV Power còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió đã gây ra các “điểm nghẽn” về truyền tải điện.
Ngoài ra, cơ chế chính sách cho việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chưa đồng bộ, phù hợp; giá điện còn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; các địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo còn bị động trong hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo... Để có thể thúc đấy phát triển năng lượng tái tạo, PV Power đã và đang có nhiều kiến nghị liên quan đến các chính sách hỗ trợ nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả, có những đóng góp nhất định cho hệ thống điện quốc gia.
Cùng với lợi thế và tiềm năng vô cùng, PV Power hứa hẹn sẽ bước vào quá trình chuyển dịch năng lượng thật mạnh mẽ, thông qua công tác đầu tư phát triển các dự án LNG, năng lượng tái tạo phù hợp với định hướng của Quy hoạch điện VIII, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, xây dựng PV Power trở thành công ty công nghiệp điện - dịch vụ mạnh, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trong lĩnh vực điện năng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan.
Nguyễn Duy Giang
Phó Tổng Giám đốc PV Power