Đón đầu xu thế

Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy CDNL nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT).

Theo đó, tỷ lệ NLTT trong cơ cấu nguồn cung sẽ đạt khoảng 30-39% vào năm 2030 và thậm chí là 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP).

PV Power tích cực thích ứng chuyển dịch năng lượng
PV Power tích cực thích ứng chuyển dịch năng lượng

Đón đầu xu thế chung và dựa trên kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, giai đoạn 2021-2025, PV Power đã nêu rõ quan điểm phát triển tổng công ty phù hợp với chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp điện Tập đoàn và phù hợp xu thế chung của thế giới.

Cụ thể, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững; tập trung phát triển nhiệt điện khí (bao gồm LNG), đẩy mạnh phát triển NLTT (điện mặt trời, điện mặt trời nổi lòng hồ thủy điện...), phát triển các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật điện, dịch vụ cung ứng nhiên liệu và các dịch vụ khác có liên quan.

Không nằm ngoài quy luật thế giới, CDNL đã, đang và sẽ tác động đến các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam. Theo xu hướng CDNL, yêu cầu về “sạch hóa” nguồn cung năng lượng sẽ dẫn tới sự giảm nhu cầu dầu thô và tăng nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên, đồng thời, tạo ra áp lực khiến ngành Dầu khí buộc phải áp dụng các giải pháp công nghệ để theo dõi, giảm thiểu lượng phát thải trong quá trình khai thác dầu khí.

Thời gian qua, Petrovietnam và một số đơn vị thành viên đang xây dựng hàng loạt dự án nhà máy điện (NMĐ) chạy bằng LNG. Trong đó, PV Power đã có bước đi đầu bằng việc triển khai tích cực Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4 và đang trong giai đoạn nước rút, tiến tới phát điện thương mại Nhà máy Nhơn Trạch 3, tiếp đến NMĐ Nhơn Trạch 4 trong năm 2025.

Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4 có tổng công suất 1.500 MW với vốn đầu tư khoảng 1,4 tỉ USD. Nguồn LNG cung cấp cho hai nhà máy này được đấu nối từ kho LNG Thị Vải của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS). Hiện tại, dự án đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng và đáp ứng được tiến độ đề ra.

Theo đánh giá của lãnh đạo PV Power, Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4 sẽ mở ra một chương mới trong việc hình thành và phát triển chuỗi các dự án LNG tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy CDNL tại Việt Nam, tăng nguồn thu ngân sách hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động trong thời gian xây dựng cũng như giai đoạn vận hành nhà máy.

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1
Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1

Dự án cũng là tiền đề quan trọng để PV Power tiến tới triển khai đầu tư và đưa Dự án NMĐ LNG Quảng Ninh (1.500 MW) vào vận hành trước năm 2030, tìm kiếm các cơ hội đầu tư các dự án điện LNG theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt và Nghị quyết 86/NQ-ĐLDK ngày 27-9-2023 của PV Power (tại các địa điểm Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Vũng Áng, Cà Mau...). Đối với các dự án NLTT, PV Power sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư mới hoặc mua bán và sáp nhập (điện mặt trời, thủy điện, điện gió, nhiệt điện rác, điện sinh khối... khoảng 55 MW).

Giải pháp toàn diện

Có thể thấy trong thời gian qua, PV Power vừa duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế, nhất là trong xu thế CDNL đang diễn ra trên toàn cầu.

Nhận thức CDNL, giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ.

PV Power luôn hướng đến các giải pháp, sáng kiến nhằm hướng tới việc giảm phát thải tại các nhà máy, đáp ứng mục tiêu “xanh vì môi trường”, đồng thời luôn đề ra các biện pháp quản trị rủi ro về môi trường, lao động, xã hội nhằm bảo đảm các giá trị lợi ích kinh tế bền vững.

Trong đó, hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường từ các hoạt động sản xuất của tổng công ty. Bảo đảm tất cả các chỉ số phát thải không vượt quá quy định pháp luật cho phép. Ưu tiên và khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và của Petrovietnam.

Lựa chọn sử dụng công nghệ mới nhất khi đầu tư nhà máy mới, chú trọng phát triển NLTT. Tích cực nghiên cứu tìm hiểu các loại nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế và các công nghệ giảm thiểu phát thải tiên tiến khác để kịp thời đáp ứng CDNL, hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải ròng của Chính phủ.

Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn
Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn

Có thể nói, tại Việt Nam, PV Power là một trong số ít các doanh nghiệp điện đã đầu tư, vận hành các NMĐ trong tất cả các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, điện khí và NLTT. Thực tế đó khẳng định vị thế nhà sản xuất điện khí hàng đầu đất nước của PV Power. Định hướng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, PV Power tích cực tham gia đầu tư phát triển các dự án sử dụng NLTT nhằm bảo đảm sự cân bằng các loại hình nguồn điện.

Trong chỉ đạo mới đây, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đề nghị PV Power tiếp tục tập trung xây dựng chiến lược trên cơ sở kế hoạch 5 năm được Tập đoàn giao và trong dài hạn. Tập trung các mục tiêu theo lộ trình CDNL như thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi cùng các dự án đầu tư nằm trong chuỗi giá trị ngành Dầu khí.

Đó sẽ là cơ sở để PV Power tự tin triển khai các dự án điện lớn trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh CDNL đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng đầu tư phát triển các NMĐ sử dụng năng lượng sạch như LNG hoặc các dự án NLTT sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện của cả nước.

PV Power đã có những bước đi đầu trong việc xúc tiến đầu tư các dự án điện mới, nghiên cứu mở rộng nguồn nhiên liệu mới, các loại hình năng lượng sạch như điện mặt trời, điện sử dụng khí LNG. Việc này có ý nghĩa quan trọng khi các nguồn nhiên liệu như than, khí đang dần suy giảm, đây đồng thời là một trong những bước đi quan trọng trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của PV Power.

Định hướng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, PV Power tích cực tham gia đầu tư phát triển các dự án sử dụng NLTT nhằm bảo đảm sự cân bằng các loại hình nguồn điện.

Minh Châu