Theo thông tin từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, thời gian qua, trên bàn đơn vị quản lý, nhiều diện tích rừng trồng, trong đó chủ yếu là cây keo tai tượng và keo lai giâm hom đã bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Số liệu từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải thể hiện, từ năm 2005 đến năm 2022, toàn địa bàn Ban Quản lý Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải quản lý có tổng cộng 4.840,9 ha keo tai tượng, keo giâm hom và một số loại cây khác như: Sao, nhội, lát... bị chết. Trong đó, diện tích keo tai tượng, keo giâm hom chết chiếm số lượng lớn.
Theo ghi nhận, số keo tai tượng chết rải đều qua các năm. Đáng chú ý trong năm 2009 và 2010, có hơn 800 ha cây keo tai tượng bị chết. Gần đây, số lượng keo lai giâm hom chết có chiều hướng tăng. Tính riêng năm 2018 và năm 2022, có đến 360 ha keo lai giâm hom bị chết.
Ở nhiều khu vực, cây chết rải rác trên toàn bộ diện tích lô rừng trồng. Một số khu vực cây chết theo đám với diện tích từ 0,2 ha đến 0,5 ha như tại các tiểu khu: 589A, 591, 592A, 592B, 593, 594, 595, 596, 597, 599T, 601, 602, 603A, 604T thuộc địa bàn xã Linh Trường, huyện Gio Linh và tiểu khu 575 thuộc địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Ban đầu, cây bị vàng lá, héo rũ rồi sau đó chết dần.
Trước thực trạng ấy, Ban Quản lý Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã báo cáo tình hình với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị và đề nghị các cơ quan hỗ trợ trong việc điều tra, xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng trồng bị chết, qua đó có hướng giải quyết, xử lý cụ thể, hiệu quả.
Đình Lương