Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam và Canada kỷ niệm 50 năm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (21/8/1973-21/8/2023).
Hiện tại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, với số vốn đầu tư từ Canada ngày càng tăng. Mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD sẽ sớm trở thành hiện thực trong thời gian tới. Cùng với các hoạt động kinh tế - thương mại là trao đổi sôi động về văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.
Ông Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng khi hai quốc gia duy trì quan hệ đối tác song phương lâu dài trên nhiều phương diện: "Chúng tôi quý trọng giá trị lớn lao của quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia, trong đó bao gồm các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh - quốc phòng, giao lưu văn hóa-học thuật, khoa học - công nghệ, sáng tạo và những mối gắn kết nhân dân".
"Rất nhiều điều đã thay đổi trong hơn 50 năm qua nhưng điều không bao giờ thay đổi và luôn đúng là chúng tôi rất tự hào được hỗ trợ Việt Nam trên con đường trở thành một quốc gia phát triển bao trùm, hòa bình và thịnh vượng hơn" , Đại sứ Shawn Steil nhấn mạnh.
Kể từ năm 1990, Canada đã đóng góp 1,8 tỷ CAD cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển của Việt Nam. Đại sứ Shawn Steil cho biết, Canada cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.
Kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Canada ngày càng đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Trong quan hệ chính trị-ngoại giao, Việt Nam và Canada đã thể hiện mối quan hệ hữu nghị trên tinh thần hợp tác qua sự thăm viếng từ lãnh đạo cấp cao của cả hai nước.
Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Canada của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 6/2005); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao G20 tại Canada (tháng 6/2010); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 9/2014); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) mở rộng tại Quebec (8-10/6/2018); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Canada (tháng 11/2018); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhân dịp dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh (tháng 11/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản (tháng 5/2023)…
Về phía Canada, có các chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền David Johnston thăm cấp Nhà nước (tháng 11/2011); Thủ tướng Jean Chrétien (tháng 11/1994); Thủ tướng Stephen Harper dự Hội nghị cấp cao APEC-14 tại Hà Nội (tháng 11/2006); Ngoại trưởng Stephan Dion (tháng 9/2016); Thủ tướng Justin Trudeau thăm chính thức và dự Hội nghị cấp cao APEC-25 tại Việt Nam (tháng 11/2017); Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Phát triển quốc tế Hạ viện Canada Robert Daniel Nault thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 12/2017); Bộ trưởng Quốc phòng H.Sajjan (tháng 6/2018); Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly (tháng 4/2022)…
Gần đây nhất, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, ngày 20/5/2023, tại thành phố Hiroshima, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp người đồng cấp Canada Justin Trudeau để trao đổi, thảo luận về hợp tác song phương, cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Tại cuộc gặp, hai thủ tướng đã bày tỏ ấn tượng trước tiến triển tốt đẹp trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada trong đó hợp tác thương mại là điểm sáng với kim ngạch song phương đạt trên 7 tỷ USD năm 2022.
Hai Thủ tướng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD; tăng cường hỗ trợ phát triển, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; Việt Nam đề nghị Canada hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, ký kết các thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,31% so với năm 2017. Năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (mà Việt Nam và Canada là 2 trong số 11 thành viên) có hiệu lực thực thi tại Việt Nam đã đẩy thương mại hai nước lên một tầm cao mới với mức tăng trưởng 22,53%, đạt 4,74 tỷ USD.
Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, hỗ trợ phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, năng lượng sạch và tái tạo, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, song mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada đã không ngừng phát triển vững chắc, ngày càng thực chất và hiệu quả. Tiềm năng và dư địa để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước còn rất lớn.
Với bề dày lịch sử của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, với tình cảm nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước dành cho nhau, chắc chắn, quan hệ hai nước sẽ tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Thiên Trường (T/h)