Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ký tại Quyết định số 5071/QĐ-BNN-PCTT giao cho Trường Đại học Thủy Lợi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và có giải pháp căn cơ cho vùng lũ 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình).
Theo đó, Trường Đại học Thủy Lợi có trách nhiệm xây dựng đề cương, dự toán chi tiết trình Bộ NN&PTNT thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành. Giao Tổng cục phòng chống thiên tai thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ, chủ trì thẩm định đề cương, dự toán chi tiết và nghiệm thu sau khi hoàn thành.
Được biết, tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh năm nào cũng xảy ra mưa lũ gây ngập úng trong thời gian dài. Mới đây nhất, vào tháng 10/2020, huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh bị ngập gần một tháng khiến cuộc sống hàng trăm hộ gia đình tại 2 huyện này điêu đứng do chỉ có cửa thoát lũ độc nhất là cửa sông Nhật Lệ.
Trong chuyến kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ngày 22/10/2020, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cũng từng đề nghị tỉnh Quảng Bình cần chủ động phối hợp các bộ, ngành T.Ư xem xét, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc thoát lũ để xây dựng phương án tái thiết hợp lý. Bởi hiện nay, việc thoát lũ cả vùng rộng lớn Lệ Thủy và Quảng Ninh phụ thuộc hoàn toàn vào cửa biển Nhật Lệ, trong khi cửa biển bị bồi lắng và gặp triều dâng cao nên thoát lũ rất chậm, gây thêm khó khăn cho người dân vùng lũ.
Về vấn đề này, ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy tin tưởng, với sự nổ lực của các nhà khoa học ở Đại học Thủy Lợi cùng công nghệ phát triển vượt bậc hiện nay sẽ giải được bài toán thoát lũ giúp hàng trăm ngàn hộ dân tại 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh vượt được các trận lũ lớn kéo dài cả tháng trời, ổn định sinh kế.
Lê Quyết