Thông tin từ Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Quảng Nam cho biết, sau hơn hai tháng xuất hiện, DTLCP đã lan ra 308 thôn của 93 xã trên địa bàn tỉnh; với hơn 45.700 con lợn bị tiêu hủy. Riêng tại huyện Thăng Bình, DTLCP đang bùng phát ra khắp địa bàn 22 xã, thị trấn; với hơn 36.420 con lợn đã bị tiêu hủy, chiếm tỷ lệ gần 80% so với toàn tỉnh.
Tại cuộc họp Tỉnh ủy mới đây, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phê bình lãnh đạo huyện Thăng Bình trong việc chỉ đạo, phòng chống DTLCP tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay, tình hình DTLCP ở huyện Thăng Bình chưa có dấu hiệu dừng lại mà đang tăng lên khiến người dân lo lắng.
Theo người dân phản ảnh, thời gian qua, việc tổ chức chôn lấp, xử lý lợn chết chưa chặt chẽ, thậm chí có người vứt lợn chết ra kênh mương. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh nhưng không được xử lý kiên quyết.
Điều đáng nói, tại xã Bình Triều, việc chôn lấp lợn chết do DTLCP không những không bảo đảm quy định mà còn thu tiền công vận chuyển từ 200.000 - 300.000 đồng/con lợn chết (tùy thuộc vào trọng lượng) khi mang đi chôn lấp khiến người dân bức xúc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Húy cho biết, hiện tại, DTLCP lây lan rất nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại, khối lượng lợn chết tiêu hủy trên địa bàn rất lớn. Qua kiểm tra cho thấy, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường; việc tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng quy trình kỹ thuật. Đáng nói, trong quá trình vận chuyển có nơi đã thu tiền của người chăn nuôi sai quy định.
Trước tình hình đó, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn triển khai, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng chống DTLCP; thực hiện đúng cơ chế chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức kinh phí hỗ trợ trong phòng chống DTLCP; tuyệt đối không được thu tiền người chăn nuôi trong phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn mắc bệnh. Đồng thời lưu ý, các địa phương phải sử dụng ngân sách dự phòng và các nguồn ngân sách khác để triển khai phòng chống dịch theo đúng quy đinh của UBND tỉnh. Nếu địa phương nào thu tiền công vận chuyển của người nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy không đúng quy định của pháp luật thì chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Được biết, ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều đã thừa nhận, việc lực lượng làm nhiệm vụ chôn lấp lợn ở địa phương thu tiền vận chuyển của người nuôi vừa qua là trái quy định và hứa sẽ hoàn trả lại cho người dân.
Trọng Tâm