Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bao gồm cả đô thị và nông thôn, phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.189,1 tấn/ngày (khoảng 434.022 tấn/năm).
Trong đó, khu vực đô thị phát sinh là 898,553 tấn/ngày (chiếm 75,57% tổng lượng CTRSH toàn tỉnh), ở khu vực nông thôn 290,548 tấn/ngày (chiếm 24,43% tổng lượng CTRSH toàn tỉnh). Khối lượng CTRSH được thu gom, xử lý là 1.139,1 tấn/ngày đạt 95,8%; trong đó, khối lượng CTRSH khu đô thị được thu gom, xử lý là 871,66 tấn/ngày, đạt 97% so với khối lượng phát sinh, khối lượng CTRSH khu vực nông thôn được thu gom, xử lý là 267,45 tấn/ngày, đạt 92% so với khối lượng phát sinh.
Hiện nay, Quảng Ninh đang vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: 19 cơ sở xử lý bằng phương pháp đốt, compost; 4 khu chôn lấp thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại xã Vũ Oai và Hòa Bình, thành phố Hạ Long; tại phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả; xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu và tại huyện Cô Tô; 01 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thô sơ, kết hợp đốt thủ công tại thôn Xóm Lương, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên.
Chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh này bao gồm CTR phát sinh từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp (chủ yếu trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, tro xỉ thải, sản xuất giấy, sản xuất da giày, sản xuất vật liệu xây dựng). Năm 2023, khối lượng phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 452.532.600 tấn. Chủ đầu tư các cơ sở sản xuất ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 02 đơn vị đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường để thay thế nguyên liệu, nhiên liệu là Công ty cổ phần xi măng Hạ Long (Nhà máy xi măng Hạ Long) và Công ty cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh (Nhà máy xi măng Lam Thạch), ngoài ra, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả đang hoàn thiện thủ tục thử nghiệm đồng xử lý. Tổng lượng chất thải được đồng xử lý năm 2023 là 311.111,89 tấn.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành kế hoạch tuần hoàn CTR hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nhằm phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải rắn hữu cơ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo ra động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý chất thải rắn hữu cơ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hữu cơ hiện nay, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó ưu tiên thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý.
Việc tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ là trách nhiệm và được thực hiện ở các quy mô từ cấp độ hộ gia đình đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quang Ninh. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tiếp nhận tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ dựa trên nền tảng chuyển đổi số toàn diện.
Trần Trang (t/h)