Ngọa Vân được coi là thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Đây cũng là 1 trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu Di tích nhà Trần tại Đông Triều được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. 

Các đại biểu dâng hương tại lễ hội.
Các đại biểu dâng hương tại lễ hội.

Theo thông lệ, Lễ hội xuân Ngọa Vân được khai hội vào mùng 9 tháng Giêng và kéo dài suốt 03 tháng mùa xuân. Lễ hội bắt đầu với Nghi thức rước lễ; Gióng trống - thỉnh chuông khai hội; Nghi lễ dâng hương cầu quốc thái, dân an và Lễ dâng hương tại chùa Am Ngọa Vân.

Phần hội gồm các hoạt động: Biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể dục - thể thao, các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt vịt, ném còn...

Phát biểu khai mạc lễ hội, hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo Hội Phật giáo Việt Nam - nhấn mạnh: "Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu công nguyên với nhiều giáo phái, hệ phái, nhưng để có một tổ chức thống nhất thì chưa có. Đến thời nhà Trần (1226 -1400), dưới uy đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngài đã thống nhất 03 hệ thống thiền phái Phật giáo lúc đó là Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường, sau đó tiếp tục thống nhất 03 tôn giáo: Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo để thành Phật giáo Trúc Lâm. Đồng thời ngài cũng thống nhất các hệ thống phương pháp tu hành Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông.

Chính bởi vậy, Phật giáo Trúc Lâm bao gồm cả đạo lẫn đời, bao gồm 03 nấc tu hành Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa và tạo thành tối thượng thừa".

Lễ hội là dịp để các tầng lớp nhân dân, phật tử, du khách hành hương về Ngọa Vân chiêm bái.
Lễ hội là dịp để các tầng lớp nhân dân, phật tử, du khách hành hương về Ngọa Vân chiêm bái.

Lễ hội xuân Ngọa Vân là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; đồng thời là dịp để các tầng lớp nhân dân, phật tử, du khách hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều để dâng hương, kính lễ, tri ân công đức to lớn của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, cầu phúc, cầu tài cho một năm an lạc.

Ngày đầu khai hội đã thu hút đông đảo du khách, nhân dân, phật tử bốn phương hành hương về chiêm bái, vãn cảnh.

 

Trần Trang