Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh, có trên 360 nhà tạm, nhà dột nát. Chủ hộ dân thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các hộ dân khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là hộ người khuyết tật, neo đơn.
Hướng dẫn của Bộ Xây dựng xác định “nhà tạm, dột nát” - là loại nhà xây dựng bằng vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” l (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Qua ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ: Việc triển khai kế hoạch xóa nhà tạm, nhà ở dột nát có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn nhằm cải thiện nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn ổn định, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Nhằm thực hiện thành công chủ trương này, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần không ngừng củng cố sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn dân; đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung thực hiện nội dung này.
Mục tiêu phấn đấu vào dịp Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí phân loại của Bộ Xây dựng đến thời điểm 30/3/2022. Đối tượng hướng tới là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế và dân tộc thiểu số.
Để việc xóa nhà tạm, dột nát đúng tiến độ nêu trên, tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo nhằm đảm bảo sức mạnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực tổ chức thành công chủ trương này.
Trần Trang