Dù được đưa vào hoạt động nhiều năm nay, nhưng Khu hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ (Cảng cá Cô Tô) ở huyện Cô Tô đang có nhiều bất cập, chưa phát huy được hết công năng sử dụng, do đó cần phải được đầu tư, nâng cấp thêm để đáp ứng hết quy mô và công năng. Khu cảng cá Cô Tô giai đoạn I được khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 466 tỷ đồng.
Đến năm 2012, giai đoạn I của dự án đã hoàn thành và cho các tàu khai thác thủy hải sản tại ngư trường Bắc vịnh Bắc bộ vào neo đậu. Đến cuối năm 2015, giai đoạn II của Khu cảng cá Cô Tô tiếp tục được triển khai với tổng mức đầu tư trên 61 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2018. Hạ tầng của giai đoạn II đã được hoàn thiện với khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá, đường giao thông, bể xử lý nước thải, cấp nước, sân bãi tập kết, khu nhà quản lý, điều hành...
Thế nhưng, từ khi hoàn thành các giai đoạn, đưa vào sử dụng đến nay, Khu cảng cá Cô Tô cũng không có nhiều phương tiện vào neo đậu. Nguyên nhân là do, cảng cá Cô Tô có 3 mặt gồm một mặt là sườn đảo, một mặt được xây dựng đê bao, nhưng mặt còn lại thì lại để trống.
Vì thế, nếu có gió Nam thì tàu, thuyền có thể vào neo đậu được. Nhưng nếu có gió Bắc thì nước, sóng dồn vào rồi bị ùn ứ bởi đê bao và sườn đảo, khiến âu tàu trở thành vùng sóng to dữ dội, khiến tàu thuyền neo đậu không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, là hệ thống âu tàu, đường lên, xuống và phao neo thiếu đồng bộ, nên gây nhiều khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Với thực trạng Khu cảng cá Cô Tô còn nhiều bất cập, ngày 27/12/2023, Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 5083/QĐ-BNN-TCTS; tổng mức đầu tư gần 660 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng. Dự án sẽ là điểm mấu chốt để nâng cấp, hoàn thiện Khu cảng cá đảo Cô Tô và đảm bảo việc neo đậu tránh trú bão cho ngư dân.
Quy mô dự án được xây dựng theo khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 1.200 tàu cá công suất đến 800CV, bao gồm: Khu vực âu Cô Tô bố trí 360 tàu từ 90CV đến 800CV; xây dựng đê chắn sóng phía Bắc; tuyến đường kết nối từ cảng tàu đến khu dịch vụ hậu cần nghề cá; khu vực vụng Trường Xuân bố trí 840 tàu từ 200CV trở xuống; xây dựng điểm lên xuống cho tàu cá; tuyến đường bộ kết nối; tuyến luồng vào khu neo đậu.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh được giao làm chủ đầu tư dự án. Dự án được khởi công vào ngày 6/12/2023, đồng loạt triển khai thi công từ ngày 1/2/2024, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 409/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất đợt 1 với diện tích 19,14ha. Năm 2024, dự án được bố trí 70 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 10 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là 60 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành công tác thi công một số hạng mục.
Khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô sẽ đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận vào neo trú an toàn khi có bão, giảm thiểu thiệt hại cho người và tài sản của ngư dân và đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.
Theo đại diện BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư dự án): Hiện nay, do điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, ảnh hưởng của mưa bão đã khiến cho việc thi công bị gián đoạn trong một thời gian. Tới nay, hạng mục đê chắn sóng đã hoàn thành đạt khoảng 25% giá trị khối lượng hợp đồng; hạng mục nạo vét vụng Trường Xuân hoàn thành đạt khoảng 5% giá trị khối lượng hợp đồng; hạng mục phao neo hoàn thành đạt khoảng 18,8%; hạng mục tuyến đường kết nối khối lượng hoàn thành đạt khoảng 27,9% giá trị khối lượng hợp đồng.
Trong năm 2024, chúng tôi đã lên kế hoạch phân bổ và ước tính giải ngân nguồn vốn theo từng quý và lên kế hoạch chi tiết triển khai thi công các hạng mục của dự án. Thời gian tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc nhà thầu, tập trung nhân lực, máy móc tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai các hạng mục thi công, phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng thời gian đề ra.
Trần Trang (t/h)