Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Minh Sơn thông tin, từ năm 2020 đến nay, cả tỉnh Quảng Ninh chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nào được xây mới. Việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung của Quảng Ninh rất chậm. 

Hiện tại, tỉnh mới có 6 cơ sở giết mổ tập trung tại các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và thị xã Đông Triều; trong đó, 3 cơ sở được cải tạo, nâng cấp và 3 cơ sở được xây mới từ trước năm 2020. Còn lại có hơn 650 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong các khu dân cư. 

Quảng Ninh: Từ 2020 tới nay chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nào được xây mới (Ảnh minh họa)
Quảng Ninh: Từ năm 2020 tới nay chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nào được xây mới (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân do việc thu hút đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó, việc bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ phải đảm bảo khoảng cách (500m) theo QCVN 01-150:2017/BNNPTNT nên rất khó tìm địa điểm. 

Hơn nữa, các địa điểm quy hoạch thường cách rất xa khu trung tâm, xa chợ; hạ tầng (điện, đường, hệ thống cấp thoát nước) chưa có nên khi giới thiệu, nhà đầu tư đều không nhất trí. Ngoài ra, các dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, mang tính xã hội hóa rất cao, suất đầu tư lớn nhưng vốn, lợi nhuận thu hồi chậm và chứa nhiều rủi ro nên khó kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. 

Từ năm 2006, tỉnh Quảng Ninh ra nhiều quyết định nhằm đẩy mạnh quy hoạch, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn. Gần đây nhất, UBND tỉnh Quyết định số 5240/2018/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 phê duyệt điều chỉnh bổ sung mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2020. 

Theo đó danh mục mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh gồm 24 địa điểm; trong đó, có 9 cơ sở loại I, 12 cơ sở loại II và 3 cơ sở gom nhỏ lẻ. Quảng Ninh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, 100% địa phương xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn và cơ bản xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư trên địa bàn. 

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh vẫn chỉ có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Sáu cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung này có quy mô công suất vài trăm con gia súc/ngày, đáp ứng được khoảng 40% lượng gia súc (lợn) được giết mổ trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Trong khi theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày có khoảng 18.500 gia súc, gia cầm được giết mổ trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Minh Sơn chia sẻ, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: Phối hợp với các sở, ngành để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ đề nghị UBND các địa phương khẩn trương rà soát lại các địa điểm trong mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung đã được phê duyệt trước đây, đối chiếu với quy hoạch mới để đưa ra hoặc đề xuất bổ sung địa điểm mới. Cùng với đó, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi, đáp ứng vệ sinh thú ý, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Trần Trang(T/h)