Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Vừa qua, thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh kế xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, các cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn thành phố được hoạt động đến ngày 31/03. Sau ngày 31/03, các cơ sở giết mổ gia súc thủ công không được hoạt động, bắt buộc phải đưa vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ công nghiệp.

Ông Hiệp cho biết thêm, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức làm việc với các chủ cơ sở ký cam kết ngừng hoạt động giết mổ thủ công, đồng thời giới thiệu, vận động các cơ sở giết mổ thủ công đến các cơ sở giết mổ công nghiệp. 

Bên cạnh đó, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức làm việc với các cơ sở giết mổ công nghiệp nhằm đưa ra chính sách thuận lợi cho các hộ sử dụng dịch vụ. Lực lượng lao động dôi dư do chuyển đổi hình thức giết mổ sẽ được tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ.

Trường hợp các cơ sở giết mổ gia súc thủ công ngại đưa vào các cơ sở giết mổ công nghiệp vì phí cao, thay vào đó đưa ra các tỉnh lân cận giết mổ và vận chuyển ngược lại TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ, ông Hiệp cho biết, có một lượng heo được chuyển từ các địa phương khác về thành phố tiêu thụ, tuy không phải là con số chủ yếu nhưng lượng heo này vẫn được kiểm soát, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Hiệp, mỗi ngày TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ bình quân khoảng 10.000 - 11.000 con heo, thành phố đáp ứng được 5.000 - 6.000 con (giết mổ thủ công và công nghiệp), khoảng 2.000 con là từ các tỉnh chuyển về, số còn lại là heo đông lạnh.

Hiện các đơn vị giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gồm: Vissan (quận Bình Thạnh), An Hạ, Sagri, Lộc An (huyện Củ Chi) và Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn).

PV (t/h)