Đề án đặt mục tiêu đến hết năm 2024, tỉnh sẽ công bố kết quả thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phục vụ cho người dân; đến năm 2025, đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng; kinh tế số chiếm tỷ trọng ít nhất 20% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm khoảng 30%.
Tỉnh Quảng Ninh cũng phấn đấu đến hết năm 2025 và duy trì đến năm 2030 có 100% sản phẩm thuộc chương trình OCOP được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng thương hiệu “Quảng Ninh – Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp"; đến năm 2030 xây dựng và phát triển thương hiệu Hạ Long nằm trong nhóm thương hiệu mạnh, có giá trị trong khu vực và thế giới, là điểm đến của các sự kiện khoa học, trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo tầm quốc gia, quốc tế. Trong đó, tỉnh sẽ nỗ lực xem xét, giải quyết ngay trong quý 80% kiến nghị phát sinh, thành lập mới khoảng 2000 doanh nghiệp/năm trong giai đoạn 2024-2030; có ít nhất 10 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh; phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu bền vững; quan tâm phát triển các thương hiệu đặc sắc có giá trị, đảm bảo tính kế thừa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mạnh dạn đi đầu áp dụng công nghệ mới, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Đề án cũng đưa ra nhóm giải pháp cụ thể về phát triển doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực, phát triển thương hiệu…
Trần Trang (t/h)