![Năm 2023, than đá nhập từ Lào vào Việt Nam tăng đột biến, khiến cửa khẩu quốc tế La Lay thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải Năm 2023, than đá nhập từ Lào vào Việt Nam tăng đột biến, khiến cửa khẩu quốc tế La Lay thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/11/001-5-1704940323.jpg)
Nhu cầu về tiêu thụ than đá
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ than lớn nhất khu vực. Từ một quốc gia xuất khẩu than trong nhiều thập niên, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu ròng về than từ năm 2015. Sản lượng than nhập khẩu liên tục tăng cao để đáp ứng nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện than mới đi vào hoạt động trong những năm gần đây.
Qua dự báo, nhu cầu than của Việt Nam theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cho thấy nhu cầu than đến năm 2035 sẽ tăng cao, sau đó giảm dần và đến sau năm 2045 giảm hẳn, nhất là than cho sản xuất điện coi như gần bằng 0.
Tại Hội thảo Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050 đã đặt ra vấn đề là làm sao đáp ứng được nhu cầu than trong thời gian tới một cách hợp lý nhất đồng thời giải bài toán “tồn tại” của doanh nghiệp ngành than Việt Nam.
Hướng đi mới
Liên quan đến vấn đề cung ứng than, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã thống nhất chủ trương, cho phép Công ty TNHH Nam Tiến đang xúc tiến các thủ tục xin phép đầu tư và nghiên cứu dự án làm băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam qua tỉnh này.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương, đề xuất phương án vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Quảng Trị đề xuất xây dựng “siêu băng chuyền” 160km vận chuyển than từ Lào về cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, công suất 1.500-6.000 tấn/giờ, chia làm nhiều giai đoạn đầu tư. Hệ thống sẽ vận chuyển từ 15-20 triệu tấn than đá từ Lào về Việt Nam mỗi năm.
Trong đó, đoạn phía Lào dài 85km từ mỏ than đến cửa khẩu La Lay, đoạn phía Việt Nam dài 75km từ cửa khẩu về cảng biển. Tổng mức đầu tư riêng đoạn ở Việt Nam dự kiến là 10.800 tỷ đồng. Ban đầu, nhà đầu tư sẽ xây dựng băng tải dài 5km, công suất 6.000 tấn/h ở cửa khẩu quốc tế La Lay, băng qua biên giới hai nước Việt Nam và Lào.
![Ngày 10/01/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp để nghe Công ty TNHH Nam Tiến báo cáo dự án kho bãi và hệ thống băng tải kết nối hai kho bãi để vận chuyển than đá xuất nhập khẩu giữa Lào về Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) – La Lay (Salavan, Lào) Ngày 10/01/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp để nghe Công ty TNHH Nam Tiến báo cáo dự án kho bãi và hệ thống băng tải kết nối hai kho bãi để vận chuyển than đá xuất nhập khẩu giữa Lào về Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) – La Lay (Salavan, Lào)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/11/viewimage-1704929373-1704940365.jpg)
Trước đó, chuyên viên biên giới hai nước đã khảo sát thực địa và thống nhất kiến nghị hai Chính phủ cho phép đầu tư băng tải than đá ở khu vực biên giới, thay thế phương thức vận chuyển bằng xe tải như hiện nay. UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phương án này hiệu quả để tăng năng suất than nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường và tránh hư hỏng hạ tầng giao thông.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng kho bãi và băng tải ở khu vực biên giới La Lay; giao tỉnh Quảng Trị phối hợp với tỉnh Salavan của Lào thiết kế, thi công và đề nghị các Bộ Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Được biết, trữ lượng than đá tại hai tỉnh Sekong và Salavan khoảng một tỷ tấn. Nhu cầu vận chuyển về Việt Nam để sử dụng và xuất khẩu qua nước thứ ba khoảng 20-30 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, hạ tầng tại cửa khẩu quốc tế La Lay chưa đồng bộ, chưa có bãi tập kết, thường xuyên ùn tắc gây mất an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
![Bụi mịt mù và ùn tắc thường xuyên tại cửa khẩu quốc tế La Lay Bụi mịt mù và ùn tắc thường xuyên tại cửa khẩu quốc tế La Lay](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/11/a9-1704940303.jpg)
Năng lực nhập khẩu hiện tại của tỉnh Quảng Trị cũng chỉ đạt khoảng 02 triệu tấn mỗi năm, cao điểm nhất đạt 15.000 tấn/ngày với 500 lượt xe qua lại. Tính từ năm 2021 đến tháng 04/2023, than đá nhập qua cửa khẩu La Lay đạt 800.000 tấn, trị giá 70 triệu USD, trong đó lượng hàng 04 tháng trên gần bằng cả năm 2022.
Được biết, tình trạng ùn ứ kéo dài tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay diễn ra từ đầu năm 2023 đến nay. Nguyên nhân là do số lượng phương tiện xuất, nhập cảnh qua đây tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2022, trong khi cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu chưa hoàn thiện, còn dở dang. Đặc biệt, nhu cầu nhập than tăng đột biến, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 phương tiện tải trọng lớn xuất - nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay chở than về Việt Nam.
Chính vì vậy, thời điểm đầu tháng 05/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp triển khai đồng thời nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian làm thủ tục, tăng lưu lượng thông quan, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp, giảm tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay, huyện Đakrông.
Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp Cục Hải quan xây dựng, sửa chữa phần đường dẫn hai đầu của làn xuất cảnh, bàn giao và đưa làn xuất cảnh vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao cho Sở Giao thông Vận tải khẩn trương làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị liên quan để đề xuất cải tạo, sửa chữa những điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nâng cấp mở rộng mặt đường Quốc lộ 15D, nhằm tăng khả năng lưu thông trên tuyến.
![Tác giả tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ảnh chụp: Tháng 01/2024 Tác giả tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ảnh chụp: Tháng 01/2024](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/11/414828479-238962099240941-2967316493730614995-n-1704940432.jpg)
Đối với đề xuất của doanh nghiệp về đầu tư vận tải than đá bằng băng tải ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lưu ý đây là hình thức vận tải xuyên biên giới, để thực hiện được cần phải xin chủ trương của hai nước Việt Nam - Lào. Việc xây dựng có liên quan đến các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, xây dựng bãi hạ tải, thủ tục thông quan, do đó các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị phương án để trình cấp có thẩm quyết định.
Được biết, vừa qua, đoàn chuyên viên biên giới Việt Nam và Lào đã khảo sát thực địa và thống nhất kiến nghị hai Chính phủ cho phép đầu tư băng tải than đá.
Theo phân tích, nếu “siêu băng chuyền” được thực hiện, việc vận chuyển than đá từ Lào về cảng Mỹ Thủy đi vào hoạt động, đó là hướng đi đúng của tỉnh Quảng Trị và đem lại lợi ích kinh tế, an sinh xã hội tốt.
Dự kiến, trong vòng 10 năm tới than đá vẫn là nguồn nguyên liệu sơ cấp đặc biệt quan trọng đối với ngành năng lượng Việt Nam nói chung và xuất khẩu đối với tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Hoàng Hữu Quyết - Đình Lương