Sau khi nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này với 92,75% đại biểu Quốc hội tán thành.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Ảnh minh họa
Về đối tượng áp dụng, Luật này áp dụng đối với các bên trong hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Về nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP, Luật quy định phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP; Việc thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát dự án PPP phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; Bảo đảm đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Về hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định bao gồm: Tờ trình đề nghị quyết định chủ trương đầu tư; Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo thẩm tra đối với dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định, Chủ trương đầu tư dự án PPP được điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP trong các trường hợp sau đây: Dự án bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất khả kháng; Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi; Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trình tự trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật này đối với nội dung điều chỉnh.
Về thẩm quyền phê duyệt dự án PPP, Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 12 của Luật này.
Về xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP, Luật quy định cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật này. Hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu khi phát hiện có hành vi vi phạm quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Chấm dứt, đình chỉ hợp đồng khi phát hiện có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Ngoài các hình thức xử lý vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Về hiệu lực thi hành, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ quy định tại khoản 6 Điều 101 của Luật này. Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
PV