THCL Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 07 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết.
Căn cứ vào yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 07 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết.
Theo đó, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 các dự án: Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật quy hoạch (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2); Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2016); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2016); Chuyển Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ thành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2). Đồng thời, rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 các dự án: Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật chứng thực; Luật biểu tình; Luật về máu và tế bào gốc; Luật quốc phòng (sửa đổi) (chuyển sang Chương trình 2017 cho ý kiến tại kỳ 4).
Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả xây dựng chương trình Luật, nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án luật, pháp lệnh nhằm thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế- xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định; thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, xác định rõ thứ tự ưu tiên của các dự án luật cần ban hành và quyết tâm tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng phải điều chỉnh Chương trình...
Để bảo đảm tính khả thi của Chương trình năm 2017, tránh bị điều chỉnh quá nhiều thì cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ quan điểm, căn cứ lập dự kiến Chương trình, xem xét kỹ sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, những nội dung cơ bản của từng dự án.
Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm trước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và điều kiện thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 29 dự án luật và 01 dự án nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, thống nhất Luật hành chính công sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; chưa bổ sung dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...
D. Linh (Thương hiệu và Công luận)