Nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng 7,4% trong quý một năm nay , cao hơn số liệu các chuyên gia đã dự đoán. Tuy nhiên đây vẫn là một sự suy giảm từ tốc độ tăng trưởng 7,7% trong quý cuối cùng của năm 2013.
Các dữ liệu khác được công bố cùng với chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP ) cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 8,8 % trong tháng Ba so với một năm trước đây .
Năm ngoái Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2014 là 7,5 % , đây là một phần của nỗ lực ổn định nền kinh tế sau nhiều năm phát triển “nóng” .
Doanh số bán lẻ tháng Ba tăng thêm 12,2% thể hiện những nỗ lực của nhà nước Trung Quốc trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng trong nước .
Các quốc gia xung quanh cũng đang có sự quan tâm chặt chẽ đến sự phát triển của nền kinh tế nước này. Sự suy thoái ở quốc gia đông dân nhất thế giới có thể làm tổn thương nền kinh tế châu Á, đặc biệt là những nước xuất khẩu hàng hóa cũng như nguyên liệu công nghiệp sang nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Có thể thấy rằng một khởi đầu chậm chạp trong năm không phải là không phổ biến do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi nhiều doanh nghiệp và các nhà máy nghỉ lễ trong khoảng hai tuần.Tuy nhiên dữ liệu gần đây trong ngành sản xuất cũng như các ngành công nghiệp khác vẫn còn yếu , làm dấy lên những lo ngại về tình trạng suy thoái kéo dài.
Thúc đẩy nền kinh tế
Trong bối cảnh này , Trung Quốc gần đây đã thực hiện nhiều biện pháp để cung cấp sức bật cho nền kinh tế.
Một gói kích cầu đã được công bố đầu tháng 4/2014 cho thấy thấy Bắc Kinh đã giảm thuế cho các công ty vừa và nhỏ , đồng thời đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nghành đường sắt ở Trung Quốc.
Ngoài ra, nước này cũng đã có những bước tiến trong việc mở cửa thị trường vốn bằng cách liên kết với Hồng Kông cho phép đầu tư chứng khoán xuyên biên giới. Đề án thí điểm dự kiến sẽ được bắt đầu trong khoảng sáu tháng tới.
Vào tháng Giêng năm nay , Trung Quốc vừa thành lập một khu vực tự do thương mại ở Thượng Hải. Hành động này nhằm thử nghiệm cho việc cải cách những lĩnh vực chính của nền kinh tế , chẳng hạn như lĩnh vực tài chính hay viễn thông – những khu vực trước đây được kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ.
Duy Đức