Không được thường xuyên đề cập như hàng không, dịch vụ ăn uống hay du lịch nhưng ngành điện ảnh trong nước cũng đang đứng trước tình cảnh khó khăn, lao đao không kém vì dịch Covid-19.

Theo thống kê, tổng doanh thu phòng vé trên cả nước (T3/2020 – tính đến ngày 25/3) đạt 76 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với cùng kì năm 2019 (350 tỷ đồng). Số lượng vé bán ra tháng 3/2020 trên phạm vi toàn quốc (tính đến ngày 25/3) là 1 triệu lượt vé, chỉ bằng 1/5 cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhiều dự án phim Việt cũng phải dời lịch chiếu như Bí mật của gió, Chị Mười Ba, Trạng Tí... Thậm chí mới đây, đạo diễn - nhà sản xuất Lý Hải công bố phim Lật mặt 5 sẽ dời lịch chiếu đến mùng 1 Tết Tân Sửu 2021, thay vì lịch cũ là 30/4 năm nay.

Rạp phim đóng cửa, dự án phim đang quay phải hoãnRạp phim đóng cửa, dự án phim đang quay phải hoãn

Mới đây, hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam vừa có văn bản kêu cứu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó đề nghị có các biện pháp hỗ trợ điện ảnh Việt do ảnh hưởng của dịch Covid.

Theo Hiệp hội này, việc đóng cửa không chỉ khiến rạp chiếu phim không có bất kỳ nguồn doanh thu nào trong khi vẫn phải trả các chi phí cố định nặng nề hằng tháng, mà còn dẫn đến việc hoãn phát hành nhiều phim đã đầu tư và có kế hoạch ra rạp.

Việc đọng vốn không thể phát hành phim dẫn tới không có doanh thu trong thời gian dịch bệnh. Hơn nữa, rạp cũng khó mở cửa sớm do phòng dịch diễn biến phức tạp và tâm lý e ngại của khán giả.

Đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu tại Việt Nam (BHD Star, Galaxy, Trung tâm chiếu phim quốc gia…) hiện chỉ chiếm 30% thị phần chiếu phim, và hầu hết là công ty của những người làm điện ảnh, nên không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đương đầu với khủng hoảng mạnh như dịch Covid-19.

Trong khi 70% doanh nghiệp còn lại có tiềm lực tài chính mạnh, có hỗ trợ lớn do là công ty con của các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, như CGV là của CJ và Samsung; Lotte Cinema của Lotte (đều là tập đoàn mạnh của Hàn Quốc).

Văn bản cũng nói rõ việc sản xuất các phim khác hiện cũng bị lùi hoặc hoãn vô thời hạn vì mỗi đoàn phim có biên chế hàng trăm người di chuyển qua nhiều địa điểm, nên không thể hoạt động trong thời gian dịch bệnh. Không thể sản xuất phim, song các doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí cố định hằng tháng.

Rạp chiếu khủng hoảng mùa COVID-19: Khó phục hồi ngay cả khi đại dịch qua đi.Rạp chiếu phim khủng hoảng mùa COVID-19: Khó phục hồi ngay cả khi đại dịch qua đi.

Từ các nhận định trên, Hiệp hội kiến nghị miễn thuế VAT năm 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn thu bù lại những tổn thất và chi phí cố định vẫn phải gánh mà không có doanh thu trong thời kỳ dịch bệnh.

Đồng thời, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn chi trả các chi phí cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh do dịch bệnh.

Cuối cùng, Hiệp hội này kiến nghị hoãn nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam hoặc có chính sách cụ thể để hỗ trợ.

 Tâm An