Ở thời điểm giữa tháng 3, tại Việt Nam, công việc làm sạch và khử khuẩn các khu vực có chứa mầm bệnh lây nhiễm Covid-19 vẫn được thực hiện một cách thủ công bởi các nhân viên y tế.
Tuy nhiên, điều này đã nhanh chóng được giải quyết chỉ trong ít ngày nhờ sự xuất hiện của một đội quân robot “Made in Việt Nam”. Đây đều là những sản phẩm do các nhà khoa học Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển.
Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0)
Nhóm nghiên cứu Robotics của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã cho ra đời 2 mẫu robot khử khuẩn để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng được biết đến với tên gọi Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0).
Trong đó, Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa 2.000 m. Nhờ sở hữu một cánh tay được thiết kế như vòi phun, mẫu robot này được dùng để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly và phòng điều trị bệnh.
Tải trọng tối đa mà Covid Defender 1.0 có thể mang vác là 170 kg. Robot này có thể làm việc liên tục trong khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15 km/h.Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call.
Bên cạnh việc phun thuốc khử khuẩn, trong tương tai, CD 1.0 còn có thể ứng dụng vào việc phòng cháy chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh CD 1.0, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Tôn Đức Thắng còn phát triển mẫu Robot khử khuẩn thứ 2 là DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0). Đây là một dạng robot tự hành với khả năng ghi nhớ không gian làm việc, lặp lại hành trình và tự động di chuyển theo quỹ đạo.
Ngoài khả năng mang vác, DR 1.0 có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng cách chiếu tia cực tím nhằm phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn. Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng đến các chất hóa học, do đó nó rất thân thiện với con người.
Việc cho robot tham gia vào "cuộc chiến" chống Covid-19 sẽ giúp nhân viên y tế tránh được khả năng phơi nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
PV