Nhằm hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản tổ chức ra mắt cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”.

Ảnh internet.
Sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xoay quanh những vấn đề then chốt về đại đoàn kết. Ảnh internet.

Cuốn sách bao gồm 75 bài nói, bài viết, bài phát biểu, bài trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi, cùng 142 bức ảnh, phản ánh sinh động các chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các địa phương, cơ sở của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cuốn sách là tài liệu quý về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến trong các tầng lớp nhân dân và toàn hệ thống chính trị.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương để luận giải và làm rõ hơn về tư tưởng và tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư về đoàn kết dân tộc.

Cội nguồn sức mạnh

PVTrong bối cảnh hiện nay, khi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, việc xuất bản cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

GS.TS. Phùng Hữu Phú: Như chúng ta biết, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Chúng ta đặt ra một mục tiêu phấn đấu rất cao. Năm 2030, phấn đấu trở thành một nước công nghiệp phát triển, thu nhập trung bình cao; Năm 2045, phấn đấu trở thành một quốc gia phát triển. Đấy là yêu cầu và mục tiêu rất cao. Một điểm nữa là trong thời kỳ mới, đất nước chúng ta vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ rất lớn đan xen với đó là những khó khăn gay gắt. Mục tiêu cao như vậy, bối cảnh phức tạp như vậy, cho nên vấn đề đặt ra là chúng ta phải tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, chuyển hóa thách thức thành thời cơ, đồng thời phải phát huy cao nhất mọi nguồn lực. Trong đó, nguồn lực con người là rất quan trọng. Chưa bao giờ vấn đề đại đoàn kết dân tộc, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc lại đặt ra cấp thiết như bây giờ. Do vậy, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản có một ý nghĩa rất lớn về mặt nhận thức, về mặt định hướng hành động. Đó là một tác phẩm vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa lý luận sâu sắc.

PVMỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước luôn luôn cần tinh thần đoàn kết của toàn dân. Nhưng tinh thần đó mỗi thời, mỗi nhiệm vụ lại khác. Theo GS, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập những vấn đề mang tính căn cốt của đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới hiện nay?

GS.TS. Phùng Hữu Phú: Trong lý luận cách mạng, đại đoàn kết toàn dân có vấn đề rất lớn. Đó là vấn đề tập hợp lực lượng. Với Đảng ta, đại đoàn kết là một chiến lược. Cuốn sách của Tổng Bí thư đã xoay quanh những vấn đề rất then chốt.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương
Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Thứ nhất là, Tổng Bí thư làm sâu sắc thêm quan điểm của Đảng ta, đại đoàn kết là sức mạnh nội sinh, là nhân tố quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai là Tổng Bí thư phân tích sâu về vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị xã hội, với vai trò to lớn của nhân dân, của các địa phương, góp phần vào đẩy mạnh công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, cuốn sách của Tổng Bí thư đã đề cập đến những vấn đề căn cốt quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, định hướng về nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị. Cuốn sách cũng đề cập đến những vấn đề rất rất căn cốt trong đường lối chiến lược của Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc. Nó là một tác phẩm lý luận, một tác phẩm lý luận tràn đầy thực tiễn.

Mẫu số chung quy tụ lòng dân

PVNói đến đoàn kết, nói đến tập hợp lực lượng thì phải có lợi ích chung, hay nói cách khác là phải có mẫu số chung để quy tụ, kết nối mọi thành viên trong xã hội. Vậy theo GS Phùng Hữu Phú, mẫu số chung đó trong tình hình hiện nay là gì?

GS.TS. Phùng Hữu Phú: Nói về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tức là nói về sự cố kết của các tầng lớp, các giai cấp, các cộng đồng. Mỗi một giai cấp, mỗi một cộng đồng đều có quyền lợi riêng, có lợi ích riêng. Vậy thì phải cố kết họ lại bằng một mẫu số chung. Mẫu số chung đó là mục tiêu chung, tình cảm chung. Mẫu số chung của chúng ta bây giờ là gì? Trước hết là lòng yêu nước. Thứ hai là ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc. Thứ ba là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ai là người Việt Nam yêu nước, Ai là người Việt Nam luôn tự hào về dân tộc mình, có ý chí tự cường. Ai là người khát khao cống hiến vì một Việt Nam thịnh vượng. Đó là những người trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta.

PVĐể có thể huy động sức dân cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cần phải có nghệ thuật và nghệ thuật đó cần phải khéo, đúng và trúng, phải không thưa Giáo sư?

Các đại biểu dự Lễ ra mắt cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”.
Các đại biểu dự Lễ ra mắt cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”.

GS.TS. Phùng Hữu Phú: Chúng ta biết là năm 1945, Phát xít Nhật, sau khi vào Đông Dương đã thực hiện chính sách nhổ lúa trồng đay. Chính sách đó làm cho hàng triệu nhân dân ta lâm vào cảnh túng đói. 2 triệu người chết đói. Cái khát vọng mãnh liệt nhất của Nhân dân ta lúc đó là khát vọng sống. Cái cấp thiết nhất của Nhân dân ta lúc đó là có cái ăn. Có cái ăn để sống. Quyền sống là quyền tối cao. Chính trong bối cảnh như thế, Đảng chủ trương phá kho thóc Nhật, chia cho dân nghèo. Có thể nói khẩu hiệu ấy, chủ trương ấy đã đáp ứng chung khát vọng, nguyện vọng tha thiết nhất của Nhân dân. Chính vì vậy, nó đã thổi bùng lên một cao trào chống Nhật cứu nước, là tiền đề trực tiếp làm nên tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thằng lợi, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nghệ thuật phát động lực lượng là đưa ra chủ trương, khẩu hiểu đúng và trúng với nguyện vọng tha thiết của nhân dân thì sẽ tập hợp được đông đảo nhất lực lượng và phát huy mạnh mẽ nhất sức mạnh quật khởi của Nhân dân.

PVĐể phát huy, tập hợp và huy động được sức mạnh của nhân dân thì chúng ta không chỉ bằng khẩu hiệu, bằng vận động tuyên truyền, mà quan trọng hơn là phải chăm lo bồi bổ sức dân, thưa Giáo sư?

GS.TS. Phùng Hữu Phú: Bác Hồ đã nói những câu như là chân lý. Bác nói là, nước có độc lập mà Nhân dân không được ấm no, hạnh phúc, thì độc lập không có ý nghĩa gì cả. Bác dạy là, Đảng, Nhà nước phải lo cho Nhân dân, từ tương cà, mắm muối, từ cái kim sợi chỉ, ăn mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh, rồi mới đến dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái. Bác Hồ cũng nói “dân dĩ thực vi thiên”, dân lấy ăn làm trời. Đây không phải là cái ăn đơn thuần. Mà ý Bác muốn nói là dân luôn luôn coi trọng những lợi ích cơ bản và thiết thực. Cho nên sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế phát triển rồi thì dân phải được hưởng chứ. Cho nên văn kiện Đại hội XIII của Đảng nói là phải bồi dưỡng sức dân, chăm lo, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Trong tác phẩm của Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhấn mạnh  Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền, các cấp ủy đảng phải luôn luôn quan tâm giải quyết những nhu cầu cơ bản và thiết yếu của Nhân dân. Trước hết là việc làm, là chỗ ở, học hành, chữa bệnh. Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ. Và cũng chỉ có như vậy, mới tạo được sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân.

Còn tuyên truyền, cổ động, khẩu hiệu là rất cần thiết. Nói như các nhà kinh điển Mác-Lênin, trước khi làm thơ, trước khi làm khoa học, người ta phải ăn, ở đã chứ. Thế cho nên, thấm nhuần lời dạy của Bác, thấm nhuần chủ trương của Đảng ta, phải chăm lo nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa, cụ thể hơn nữa đến đời sống của Nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Phát thanh Quân đội/VOV.vn