Người tiêu dùng trước "ma trận" sâm Ngọc Linh
“Ma trận” sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh thuộc 250 loài quý hiếm của nước ta và chỉ mọc trên đỉnh núi có độ cao 1.800 - 2.500 m, độ phân cách mạnh, độ dốc lớn, nhiều thung lũng hẹp và sâu, độ ẩm trung bình 85,5% - 87%, nhiệt độ trung bình từ 14 - 18 độ C. Đây là loại dược liệu có tính năng kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường và ung thư mà sâm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… không thể có.
Theo tìm hiểu, giá sâm Ngọc Linh tự nhiên tùy thuộc vào độ tuổi, càng lâu năm thì giá càng cao; có loại sâm Ngọc Linh 100 năm tuổi, giá lên đến vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, nhưng rất hiếm. Phổ biến trên thị trường, giá sâm Ngọc Linh “xịn” loại 10 củ/kg có giá khoảng 75 triệu đồng, loại 20 củ/kg giá trên 60 triệu đồng. Thấp nhất là loại sâm 10 năm tuổi cũng có giá khoảng 30 triệu đồng…
Chính vì loại sâm này có giá trị kinh tế cao, công dụng chữa bệnh tốt, cùng với nhu cầu đang tăng mạnh, nhiều đối tượng sản xuất, tuồn ra thị trường các sản phẩm sâm Ngọc Linh giả để lừa người tiêu dùng.
Trên thị trường, đã có 3 loại sâm Ngọc Linh giả được phát hiện. Loại giả thứ nhất (giả cao cấp nhất - 1A) đó là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Qua xét nghiệm DNA ở Nga, đây rất có thể là một loài mới chưa từng công bố (ghi nhận) ở Việt Nam. DNA giống với sâm Ngọc Linh tới 97%.
Loại sâm giả thứ 2 là sâm Vũ Diệp và tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm, nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại giả 1A đã nói ở trên. Tam thất hoang là một trong những loại được một số đối tượng lựa chọn để "giả", "nhái" sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, vì lợi nhuận kinh tế, một số người đã sử dụng một số loài thuộc họ araceae (họ ráy) để đánh lừa khách hàng, biến chúng thành loại sâm “giả” tồi tệ nhất, nguy hiểm nhất. Không ít người, khi đi mua đã nhấm thử và sau một thời gian, toàn bộ môi, miệng bị phồng rộp. Những loài thuộc họ ráy này nếu ở trong trạng thái héo, người mua lại càng khó phân biệt bởi hình dáng bên ngoài hoàn toàn giống với sâm Ngọc Linh thật.
Thêm nữa, một số củ của những loài khác như củ hoàng tinh loại nhỏ hoặc củ bảy lá một hoa (củ rắn cắn) loại nhỏ… một số loại củ có thân đốt giống sâm Ngọc Linh.
Chưa dừng lại ở đó, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến vận chuyển, mua bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc. Theo đó, lực lượng chức năng phát hiện nhiều mặt hàng được giới thiệu là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như rượu, trà sâm, trong đó có 48 hũ thủy tinh chứa cốm sâm không có tên, nhãn mác, 10 hũ cao sâm, 18 bình chứa rượu ngâm củ sâm, dung tích 3,5 lít/hũ... Tất cả các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chi cục QLTT Quảng Nam đã phát hiện, xử phạt vi phạm kinh doanh sâm Ngọc Linh không đúng quy định tại cửa hàng nấm lim xanh Tiên Phước của ông Nguyễn Xuân Lực, tại huyện Tiên Phước. Trong đó, 20 bình rượu chứa sản phẩm lá sâm Ngọc Linh của cửa hàng không xuất trình được các giấy tờ liên quan.
Khó phát hiện hàng giả
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm góp phần bảo vệ danh tiếng, uy tín sâm Ngọc Linh, thương hiệu sâm Việt Nam trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế việc ngăn chặn vấn nạn sâm Ngọc Linh giả đang gặp rất nhiều khó khăn, từ khâu kiểm tra phát hiện đến xử lý tận gốc.
Ông Nguyễn Đình Triệu, PGĐ Công ty CP thương mại - Dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết, việc xác định sâm Ngọc Linh thật - giả rất khó khăn, vì chi phí giám định mẫu lớn. Nếu muốn xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả, cần phải lấy mẫu giám định và kết luận cho từng đơn vị sản phẩm một, chứ không thể kết luận cho cả lô. Hiện nay, việc xác định sâm Ngọc Linh thật - giả chủ yếu dựa vào cảm nhận là chính.
Việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa cũng như công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm sâm Ngọc Linh từ khâu sản xuất đến khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, các cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng.
PGS. TS. Trần Công Luận, nguyên GĐ Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. HCM (Viện Dược liệu Trung ương), cho rằng, việc phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả bằng mắt thường hay bằng kinh nghiệm là điều không thể, nhiều khi ngay cơ quan chuyên môn cũng nhầm trong việc phân biệt giữa sâm Ngọc Linh thật và sâm Vũ Diệp hay tam thất hoang.
Cả nước chỉ có một trung tâm chuyên kiểm nghiệm sâm đặt tại TP. HCM. Điều này, cũng gây ra nhiều khó khăn, tốn kém cho các cơ quan chức năng ở các địa phương, khi muốn xác định hàng thật hay giả.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đang có sự chồng chéo giữa các ngành chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh trên thị trường.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh Thanh tra - Bộ KH&CN cho biết, qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều hình thức vi phạm đối với sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Thanh tra Bộ sẽ lên kế hoạch ngăn chặn, xử lý hoạt động kinh doanh sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm liên quan với sự tham gia của nhiều đơn vị nhằm ngăn chặn thực trạng sâm giả hoành hành trên thị trường.
Phan Chinh