Bán đi nhà máy tại Tô Châu giúp tập đoàn công nghệ Hàn Quốc thu về 1,08 tỷ USD. Bên mua là China Star Optoelectronics Technology (CSOT), bộ phận kinh doanh màn hình của TCL, một hãng điện tử tiêu dùng Trung Quốc.
Nhà máy sản xuất LCD này của Samsung được đặt tại thành phố Tô Châu và từng cung cấp tới 27% sản lượng màn hình LCD cho Samsung vào năm ngoái. Tuy nhiên trong thời gian tới đây, Samsung dự kiến sẽ ngừng sản xuất màn hình LCD mà tập trung vào công nghệ màn hình OLED trong tương lai.
Theo như những thông tin về thương vụ mua bán khủng lồ giữa mùa dịch COVID-19 này, truyền thông Trung Quốc khẳng định TCL chỉ chiếm 10% cổ phần của nhà máy LCD của Samsung, 60% cổ phần sẽ được CSOT - một công ty con của TCL nắm giữ và 30% còn lại sẽ được chính quyền thành phố Tô Châu, Trung Quốc sở hữu.
Samsung thu về hơn 1 tỷ USD khi bán lại nhà máy sản xuất màn hình LCD tại Tô Châu, Trung Quốc (Ảnh: Koreaherald)
Việc bán nhà máy sản xuất LCD không có nghĩa là Samsung sẽ dừng bán TV sử dụng công nghệ này. Hãng Hàn Quốc vẫn tung ra TV LCD LED thời gian tới nhưng sử dụng tấm nền mua từ bên thứ ba, thay vì trực tiếp sản xuất.
Từ năm 2019, Samsung đã giảm sản xuất LCD vì nhu cầu ở tấm nền này giảm và lợi nhuận không còn cao. Hãng đã đầu tư 8,3 tỷ USD cho dây chuyền sản xuất màn hình QD - OLED nhằm tạo ra thế hệ TV mới thay thế cho LCD LED. Nhà sản xuất Hàn Quốc hiện tập trung vào sản xuất màn hình chấm lượng tử Quantum Dot cho TV và màn hình OLED cho các thiết kế bị di động. Trong tương lai, hai nhánh công nghệ màn hình này sẽ gộp chung lại, tạo ra loại màn hình mới là Quantum Dot OLED (QD - OLED).
Theo Statista, quý I/2020, Samsung vẫn là hãng TV lớn nhất thế giới với số lượng xuất xưởng hơn 10 triệu sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm của hãng đều sử dụng công nghệ LCD LED, trong khi các đối thủ đã dịch chuyển sang OLED cho phân khúc cao cấp.
Thiên Trường