=> Công điện của Thủ tướng chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh EBOLA
- Ngày 11/8, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn và UBND TP. Hà Nội đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị việc phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola tại sân bay Nội Bài.
Đoàn công tác của Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội kiểm tra công tác đáp ứng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola tại cửa khẩu quốc tế, sân bay Nội Bài. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Do mỗi ngày, sân bay quốc tế Nội Bài tiếp nhận khoảng 7.000 khách quốc tế, với 50-60 chuyến bay, vì vậy, việc kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn ngay từ đầu, không để dịch vào nội địa là rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, hiện Trung tâm đã thành lập 2 phòng cách ly tại nhà ga T1 với các trang thiết bị cấp cứu cần thiết, đảm bảo 2 máy kiểm tra thân nhiệt hoạt động tốt và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đến từ vùng có dịch.
Ngay từ đầu tháng 8, Trung tâm cũng đã thành lập các kíp trực tăng cường giám sát 24/24 giờ tại cảng hàng không Nội Bài với đầy đủ thành phần gồm các kiểm dịch viên là bác sĩ, điều dưỡng và lái xe cấp cứu, thực hiện giám sát 100% các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Mới đây, ngày 9/8, Trung tâm phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc và Công an cửa khẩu áp dụng tờ khai y tế đối với chuyến bay đầu tiên đến từ Ai Cập nhằm giám sát chặt chẽ, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc áp dụng tờ khai nhập cảnh đối với hành khách đến từ châu Phi.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết: Do sân bay Nội Bài cũng như các cảng hàng không khác không có đường bay thẳng từ châu Phi về nên việc tổ chức giám sát người đến từ vùng có dịch rất khó khăn. Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo giám sát tất cả những hành khách đến từ châu Phi rải rác tại tất cả các chuyến bay quốc tế đến.
Bên cạnh việc giám sát ở sân bay, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị giám sát tốt công tác phòng chống dịch ở cộng đồng với việc yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, trung tâm y tế dự phòng giám sát trong vòng 21 ngày đối với những người trở về từ vùng dịch nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ phải báo cáo kịp thời với cơ quan y tế.
Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu chủ động giám sát tại các BV, những công dân đi du lịch trở về nước, nếu nghi ngờ mắc bệnh phải được đưa ngay vào khoa cách ly để theo dõi.
“Mặc dù qua kiểm tra đến nay, Hà Nội chưa có kênh nhập khẩu động vật, thực phẩm từ các nước có dịch, nhưng chúng tôi lo ngại người dân có thể mang về nên Thành phố cũng đã yêu cầu giám sát hệ thống nhập khẩu động vật, thực phẩm từ các nước có dịch”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng 3 tình huống để đối phó với dịch bệnh và cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư nhằm chủ động ứng phó. Đặc biệt, khi nghi ngờ có những ca bệnh đầu tiên thì sẽ chuyển ngay về 5 BV có Khoa Truyền nhiễm, gồm: BV Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông và BV Bắc Thăng Long.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù Hà Nội đã lên tất cả các phương án đối phó với dịch Ebola, nhưng không được chủ quan. UBND TP. Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài cần tiếp tục duy trì và tăng cường thực hiện tất cả các kế hoạch theo chỉ đạo của Bộ Y tế, thực hiện phân luồng, đo kiểm thân nhiệt, khám sức khỏe nếu có nghi ngờ, có phương án cách ly và thực hiện cách ly với các tình huống…
Bên cạnh đó, các BV cần hỗ trợ cơ quan kiểm dịch quốc tế Nội Bài trong việc khám, cách ly người bệnh, đồng thời tăng cường nhận thức của chính cán bộ kiểm dịch, có biện pháp dự phòng cho bản thân…
Theo Chinhphu.vn