Chỉ số giá lương thực thế giới tăng cao

Chỉ số giá, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) biên soạn để theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đã tăng lên 127,5 điểm vào tháng 11, cao hơn mức 126,9 điểm đã điều chỉnh vào tháng 10. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 19 tháng và tăng tới 5,7% so với một năm trước.

Ảnh TTXVN.
Cánh đồng lúa mì. Ảnh TTXVN.

Tính theo mặt hàng, chỉ số dầu thực vật tăng 7,5% so với mức ghi nhận được một tháng trước và tăng 32% so với một năm trước đó, do thị trường lo ngại về sản lượng dầu cọ thấp hơn dự kiến tại khu vực Đông Nam Á.

Giá dầu đậu nành đi lên do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng mạnh, trong khi dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng cùng xu hướng. Các chỉ số giá thực phẩm khác đều giảm.

Trong một báo cáo khác, FAO đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 xuống còn 2,841 tỷ tấn, giảm 0,6% so với năm ngoái nhưng vẫn là sản lượng lớn thứ hai được ghi nhận.

Trong khi đó, sản lượng ngũ cốc thế giới dự kiến sẽ tăng 0,6% lên 2,859 tỷ tấn vào năm 2024-2025 nhờ mức tiêu thụ ngày càng tăng. Do đó, FAO dự đoán mức cung toàn cầu đủ đáp ứng thị trường.

Sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 533,8 triệu tấn

Ảnh internet.
Sản lượng ngũ cốc thế giới dự kiến sẽ tăng 0,6% lên 2,859 tỷ tấn vào năm 2024-2025. Ảnh internet.

Trên thị trường gạo quốc tế, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang có xu hướng giảm nhẹ do ảnh hưởng từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 509 USD/tấn.

Theo USDA, sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó. Ấn Độ đóng góp chính vào sự tăng trưởng này, với sản lượng dự kiến đạt 145 triệu tấn, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Giá gạo 5% tấm và gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ vẫn giữ ổn định trong tuần này, lần lượt ở mức 444-450 USD/tấn và 450-458 USD/tấn. Mặc dù giá thu mua từ nông dân tăng nhưng đồng Rupee yếu đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì được mức giá cạnh tranh.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên 510-515 USD/tấn trong tuần qua do đồng Baht mạnh lên đã hỗ trợ giá gạo tăng. 

Thị trường nông sản Mỹ

Giá ngô, đậu tương và lúa mì kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 13/12, do hoạt động bán ra và doanh số xuất khẩu theo tuần thấp hơn dự đoán.

Ảnh REUTERS.
Sản lượng ngũ cốc thế giới dự kiến sẽ tăng 0,6% lên 2,859 tỷ tấn vào năm 2024-2025. Thu hoạch lúa mì tại Nga. Ảnh REUTERS.

Giá ngô trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất giảm 3,25 xu Mỹ, xuống còn 4,4025 USD/bushel. Trước đó, giá ngô trong hợp đồng này đã đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng Sáu, ở mức 4,5125 USD/bushel, trong phiên 11/12, sau khi USDA hạ ước tính về lượng ngô dự trữ cuối vụ của Mỹ từ 1,938 tỷ bushel xuống còn 1,738 tỷ bushel. Tuy nhiên, dữ liệu xuất khẩu hàng tuần của USDA mới đây cho thấy doanh số xuất khẩu ròng ngô ròng của Mỹ chỉ ở mức 946.900 tấn, trong khi các nhà phân tích dự báo con số này phải đạt ít nhất 1,1 triệu tấn.

Giá đậu tương trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất giảm 9 xu Mỹ, xuống còn 9,8675 USD/bushel, và giá lúa mì trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất giảm 6,75 xu Mỹ, xuống còn 5,5175 USD/bushel.

Ông Karl Setzer, đối tác của công ty tư vấn Consus Ag Consulting, nhận định sự thiếu ổn định ngày càng tăng về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong năm tới cũng gây áp lực lên thị trường ngũ cốc và hạt có dầu. 

Ông Setzer cũng cho biết thêm, sự không chắc chắn trong dòng chảy xuất khẩu của Mỹ sang Canada trong tương lai cũng gây áp lực lên giá kỳ hạn. 

PV (t/h)