Mực nước tại hồ thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa trên sông Mã đang ở xuống dưới mực nước chết. Ảnh Minh Hải.
Mực nước tại hồ thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa trên sông Mã đang ở xuống dưới mực nước chết. Ảnh Minh Hải..

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 17 nguồn phát điện đang hoạt động, với tổng công suất 2.485,2 MW. Trong đó, có 11 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy nhiệt điện, 3 nhà máy điện sinh kế và 1 nhà máy điện mặt trời.

Do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài nên lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện rất thấp, làm sản lượng phát điện của 11 nhà máy thủy điện trên địa bàn chỉ đạt từ 35 - 50% so với cùng kỳ.

Qua ghi nhận, dọc tuyến sông Mã chảy qua địa bàn tỉnh, nơi đặt nhiều nhà máy thủy điện lớn đang lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Thậm chí, thời gian gần đây nhiều đoạn sông trơ đáy vì nắng nóng, khô hạn.

Ngoài ra, tổ máy số 2 (có công suất 600 MW) của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (do Tổng Công ty Điện lực KEPCO, Hàn Quốc và Tập đoàn Marubeni, Công ty Điện lực Tohuku, Nhật Bản làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD, Công suất tinh 1.200 MW) gặp sự cố kỹ thuật từ ngày 4/5, và dự kiến đến tháng 7 mới khắc phục xong, đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng cung cấp điện lên hệ thống lưới điện quốc gia.

Đặc biệt, từ tháng 5 cho đến những ngày đầu tháng 6 là đợt cao điểm nắng nóng của mùa hè 2023, Thanh Hóa là một trong những địa phương nắng nóng gay gắt, nền nhiệt độ có thời điểm lên đến 40 độ C, khiến sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh liên tục tăng mạnh. 

Công suất tiêu thụ điện vào các giờ cao điểm trung bình toàn tỉnh là khoảng 1.250 - 1.300 MW, đặc biệt vào ngày 1/6 công suất đỉnh lên tới 1.410 MW, vượt quá khả năng cung cấp điện của hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Không chỉ tại Thanh Hóa, với tình hình nắng nóng kéo dài, khiến các hồ chứa nước thủy điện cả nước đều ở mức rất thấp, có những hồ chứa nước đã cạn kiệt nước dẫn đến sản lượng điện thiếu hụt nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện. Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Chỉ thị nêu: Trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội.

Tuy nhiên, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức do:

Tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu;

Nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế; nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân khoảng 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025;

Phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia);

Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.

Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện...

Hoài Thu