Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế tại 32 cục thuế và ban hành Quyết định hợp nhất chi cục thuế khu vực đối với 32 cục thuế tỉnh, thành phố.
32 cục thuế được sắp xếp, hợp nhất gồm: Quảng Ninh, Cà Mau, Hậu Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Lai Châu, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bình Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Phước, Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Dương, Kiên Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Lào Cai, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Thuận. Phương án thực hiện sẽ hợp nhất 184 chi cục thuế để thành lập 87 chi cục thuế khu vực, giảm 97 chi cục thuế.
Còn 199 chi cục thuế sau kế hoạch sáp nhập (Ảnh: minh họa)
Tính đến nay, ngành thuế đã sắp xếp 378 chi cục thuế trực thuộc 58 cục thuế để thành lập 179 chi cục thuế khu vực, giảm 199 chi cục thuế.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các Chi cục Thuế theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo đó, ngành Thuế đã trình Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hợp nhất các Chi cục Thuế thành Chi cục Thuế khu vực tại 25 địa phương nâng tổng số địa phương đã thực hiện lên 31/63.
Theo kế hoạch, sau khi hợp nhất, đối với cấp trưởng (chi cục trưởng, đội trưởng) ưu tiên bố trí các chức danh tương đương. Việc lựa chọn nhân sự phải đảm bảo, khách quan, tránh bè phái cục bộ; nhân sự được lựa chọn phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo đúng quy định. Đối với cấp phó (chi cục phó, đội phó) trong thời gian sắp xếp, có thể nhiều hơn so với quy định. Tuy nhiên khi có cấp phó nghỉ hưu, hoặc điều chuyển công tác sẽ không bổ sung thêm.
Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, việc sắp xếp, hợp nhất các chi cục thuế là chủ trương lớn. Do đó, việc triển khai sắp xếp, bố trí nhân sự phải thực hiện công khai, minh bạch, không gây xáo trộn, đảm bảo sau khi hợp nhất, các chi cục thuế khu vực hoạt động hiệu quả.
Bảo Lâm