Trung Quốc vẫn là "bạn hàng" số một

Theo dữ liệu được công bố tại cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, diện tích sầu riêng của cả nước đạt hơn 150.000 hecta, trong đó, khoảng 76.000 hecta đang cho thu hoạch. Sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn, bình quân tăng 15%/năm. Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi.

Tìm
Tìm "chân trời mới" cho sầu riêng Việt Nam (Ảnh: VnEconomy)


Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt khoảng trên 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã đạt tới 2,24 tỷ USD, tăng vọt từ mức chỉ 420 triệu USD của năm 2022.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc trích dẫn số liệu nhập khẩu sầu riêng năm 2023, quốc gia này đã nhập 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng 69% so với năm 2022. Nếu trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan với gần 100% thì trong năm 2023, trong số 1,4 triệu tấn nhập khẩu này, lượng nhập từ Thái Lan xuống còn 68%, còn lại là nhập từ Việt Nam.

Hiện tại, Trung Quốc cũng đang là "bạn hàng" sầu riêng lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê từ Hải quan Trung Quốc, năm 2023, quốc gia này nhập khẩu hơn 493.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam với giá trị hơn 2,1 tỷ USD. Điều này khiến thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch năm 2023 đạt mức 34,6%, tăng mạnh so với mức 4,9% của năm 2022. Ngoài Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cũng đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới, khối lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 10.000 - 15.000 tấn.

Tìm "chân trời mới" cho sầu riêng Việt Nam

Dựa vào những thống kê trên, dễ dàng nhận thấy, sầu riêng Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cũng là vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại.

Điều này dấy lên  câu hỏi, liệu sầu riêng Việt Nam có thể tìm được những "chân trời mới" để "phá thế" phụ thuộc thị trường Trung Quốc nhằm đảm bảo sự bền vững cho xuất khẩu sầu riêng nước nhà?

Về vấn đề trên, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật ông Lê Văn Thiệt chia sẻ những kỳ vọng về việc mở rộng thị trường tiêu thụ sầu riêng sang một thị trường tỷ dân khác, đó là Ấn Độ.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường duy nhất luôn tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, việc mở cửa thị trường Ấn Độ là tin vui cho ngành sầu riêng Việt Nam. Ông Thiệt cho biết Việt Nam đã nộp hồ sơ và đang chờ đợi Ấn Độ xem xét ký nghị định thư để bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang đất nước này.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho mục đích xuất khẩu bền vững, các cơ quan ban ngành vẫn còn nhiều điều cần phải làm, nhất là vấn đề liên quan đến chất lượng.

Sự việc, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về với lý do bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của nước này. Đây là một bài học để chúng ra tăng cường kiểm soát về chất lượng nhằm đảm bảo các yêu cầu nhập khẩu của các quốc gia khác.

Ngoài ra, hiện 708 mã số vùng trồng đã được cấp, còn gần 800 mã số chuẩn bị được cấp, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 50% diện tích sầu riêng của Việt Nam. Do đó, nếu không quản lý chặt chẽ chắc chắn sẽ xuất hiện vấn đề, khi đó các nước nhập khẩu sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật đối với sầu riêng của Việt Nam, dẫn đến tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh so với các nước khác, từ đó ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu sầu riêng nước nhà.

Sông Trường