Bán hàng không tem nhãn phụ, An Ú bị cơ quan chức năng xử phạt
Vào đầu năm 2022, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã “mục sở thị” tại 03 cửa hàng của hệ thống An Ú tại số 271 Nguyễn Gia Thiều, số 55 Nguyễn Cao (TP. Bắc Ninh) và số 168 Lê Quang Đạo (TP. Từ Sơn). Tại đây, phóng viên ghi nhận cửa hàng An Ú bày bán nhiều sản phẩm cho mẹ bầu và em bé, bao gồm: Sữa bột, sữa tươi các loại, đồ ăn dặm, mì cho bé, quần áo, bình sữa, núm tí, máy móc hâm sữa, ủ sữa, xe đẩy, thực phẩm chức năng…. Tuy nhiên, số lượng lớn mặt hàng ở đây đều không có đầy đủ tem nhãn phụ theo quy định pháp luật.
Khi phóng viên thắc mắc về một số loại thực phẩm chức năng không có thông tin Tiếng Việt để người tiêu dùng biết nguồn gốc và cách sử dụng, thì nhân viên cửa hàng tại 55 Nguyễn Cao nói: “Cái này không có thông tin Tiếng Việt, là hàng xách nội địa ạ”.
Sau khi Thương hiệu và Công luận gửi công văn làm việc tới Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh, phía quản lý thị trường Bắc Ninh đã kiểm tra và đưa ra biên bản xử phạt duy nhất cho cơ sở An Ú 55 Nguyễn Cao với số tiền vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng.
Để xác minh, ngày 07/05, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã khảo sát tại cửa hàng An Ú 168 Lê Quang Đạo, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh – một trong những chi nhánh được cho là không có vi phạm về nguồn gốc hàng hoá theo kết luận của Quản lý thị trường Bắc Ninh. Tuy nhiên trái ngược với văn bản kết luận, không ít hàng nhập ngoại tại cơ sở này không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, hoặc có tem nhãn phụ nhưng thông tin sơ sài.
Trước những phản ảnh của Thương hiệu và Công luận qua loạt bài "Chuỗi cửa hàng mẹ và bé An Ú ở Bắc Ninh bán nhiều hàng lậu, hàng trốn thuế, không nguồn gốc”… Cục QLTT Bắc Ninh đã vào cuộc và xử phạt hành chính 4/6 chi nhánh nằm trong chuỗi cửa hàng mẹ bầu và em bé An Ú nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tổng số tiền xử phạt vi phạm lên tới gần 40 triệu đồng.
An Ú Store tiếp tục bày bán hàng hóa không tem nhãn phụ
Sau khi tiếp tục nhận được phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng chuỗi cửa hàng An Ú bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày 29/12/2022, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã khảo sát hàng hoá tại chi nhánh An Ú tại 271 Nguyễn Gia Thiều, TP. Bắc Ninh. Tại đây, phong viên ghi nhận nhiều mặt hàng từ đồ ăn, thức uống, sữa, đồ chơi, quần áo cho trẻ sơ sinh,…có bao bì toàn chữ nước ngoài nhưng lại không có tem nhãn phụ Tiếng Việt.
Theo Điều 10, Nghị định 111/2021/NĐ-CP ghi rõ: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này. Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài. Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa; Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
Mặt khác tại Điều 12. Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thì hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.
Tại Khoản 3,4 Điều 3 của Nghị định quy định Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó.
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung.
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đáng chú ý, ngay bên cạnh khu vực thanh toán là một dãy riêng các loại thực phẩm chức năng có xuất xứ nước ngoài, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ thông tin Tiếng Việt nào. Điều này khiến PV cảm thấy hoang mang khi không biết những thực phẩm chức năng này là loại gì, xuất xứ từ đâu, có công dụng gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi PV thắc mắc thông tin về sản phẩm, nhân viên tại chi nhánh Nguyễn Gia Thiều nhanh chóng “khoác” lên người “chiếc áo dược sĩ”, tư vấn rất nhiệt tình cho khách hàng.
Dưới đây là sản phẩm PREGNACARE được nhân viên nói đây là lọ vitamin tổng hợp cho bà bầu sau sinh. “Đây là loại phụ nữ cho con bú, có nhiều khoáng chất với vitamin”. Nhân viên chỉ vào một sản phẩm khác cùng tên “Nếu mẹ đang mang bầu thì nên dùng loại này, uống 1 viên mỗi ngày sau ăn ạ, uống cái này cũng góp phần cho con nữa. Cái này là loại mới có cả DHA, Vitamin D, sắt,…”
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, để có thể kinh doanh TPCN, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh TPCN phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Liệu rằng toàn bộ các nhân viên tại các chi nhánh An Ú Bắc Ninh đã được đào tạo qua trường lớp về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đùng quy định hay không? Nếu như những nhân viên tại đây tư vấn sai cho khách hàng về công dụng, cách sử dụng, liều lượng của các lọ TPCN, liệu sức khỏe của người tiêu dùng có bị ảnh hưởng?
Tiếp tục “mục sở thị” tại cửa hàng An Ú tại số 168 Lê Quang Đạo, TP Từ Sơn, phóng viên nhận thấy một lượng lớn hàng hóa được bày bán đều không có tem nhãn phụ Tiếng Việt.
Từ các sản phẩm sữa, cho đến đồ ăn dặm, quần áo, đồ dùng cá nhân cho mẹ bé,…đều rơi vào cảnh “trắng” thông tin, người tiêu dùng khi mua hàng khó lòng có thể tìm hiểu thông tin khi toàn bộ bao bì sản phẩm chỉ có tiếng nước ngoài.
Tại khu vực thực phẩm chức năng, chẳng cần để đến khi phóng viên tới tận nơi, một nhân viên cơ sở Từ Sơn đã nhanh chóng “chào mời” những sản phẩm vitamin nhập khẩu. Người này nhiệt tình chỉ rõ những sản phẩm trên có vị gì, bổ sung những chất nào, phù hợp cho ai. Nhận thấy đa số hàng thực phẩm chức năng đều không nhãn Tiếng Việt, phóng viên thắc mắc thì nhân viên này trả lời: “Đây là hàng xách tay chị ạ, bên em chắc chắn có người công ty đến bảo lãnh.”
Tuy nhiên trong thực tế, hàng xách tay không được cơ quan chức năng kiểm định, đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ cũng như nhãn mác. Người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong khi hàng xách tay thường được người bán “đội giá” lên cao nhờ gắn mác “hàng Úc”, “hàng Mỹ”…chính ngạch.
Về pháp lý, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì "hàng xách tay" là hàng trốn thuế, nhập lậu. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu động đối với doanh nghiệp.
Là một hệ thống cửa hàng mẹ và bé lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng như tại một số tỉnh miền Bắc, tuy nhiên không ít lần báo chí, truyền thông đưa tin về những vi phạm hàng hóa của An Ú Store. Ngay sau phản ánh của Thương hiệu và Công luận, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã vào cuộc xử lý và ra quyết định xử phạt tiền cùng với đó là tịch thu toàn bộ hàng hoá sai phạm về nhãn mác. Bên cạnh đó, 4/6 cửa hàng trong hệ thống An Ú tại tỉnh Bắc Ninh đã bị cơ quan chức năng của tỉnh lập biên bản xử phạt hành chính.
Hành vi buôn bán mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng lậu,…được coi là vi phạm pháp luật. Mặc dù đã bị Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh và QLTT Quảng Ninh xử lý, nhưng An Ú không những không khắc phục những thiếu sót mà vẫn tiếp tục bán các sản phẩm cho mẹ và bé không tem nhãn phụ, hàng xách tay từ nước ngoài.
Trước tình hình vi phạm liên tiếp của An Ú Store, kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xác minh, đồng thời xử lý dứt điểm, nghiêm minh những hành vi sai phạm liên quan đến hàng hóa để đảm bảo sự minh bạch của thị trường hàng hóa và quyền lợi của người tiêu dùng.