quốc hội ffff

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn đề các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học - Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.

Câu chuyện tin xấu độc trên mạng mang tính toàn cầu

Cho rằng, hiện nay, người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là "báo chí nhân dân", trong đó, có nhiều trang mạng xấu, độc nhưng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)  đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để thuyết phục bất cập nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả? 

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho rằng, câu chuyện về giải pháp đối với tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với câu chuyện tin sai sự việc, tin xấu trên mạng xã hội.

Theo Bộ trưởng, giải pháp của các nước, trước hết phải là hành lang pháp lý. Riêng câu chuyện về xử lý tin giả, ngay trong ASEAN, gần đây nhất, Singapore đã ra một luật về xử lý tin giả.

Tinh thần chung của luật là xử lý nghiêm minh và có tính răn đe những người tung tin giả, từ mức phạt đến hàng triệu USD tới phải đi tù.

Đối với các mạng xã hội cũng xử phạt mạnh tay hơn, thậm chí theo quy định của một số quốc gia, người đứng đầu mạng xã hội, nếu vi phạm cũng phải đi tù.

Sẽ ban hành quy định về đưa tin trên mạng xã hội

“Sắp tới, chúng ta sẽ ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, chúng ta gặp vấn đề tin giả tin sai sự thật chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài, các nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Đối với quản lý nền tảng xã hội nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách với các cơ quan liên quan để xử lý vấn đề này.

Mục tiêu của chúng ta đặt ra là các nền tảng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật. Yêu cầu dứt khoát là có thể tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên.

Các nền tảng xã hội đấy phải có công cụ tự động để tự động xóa bỏ những tin xấu độc đã được xác định, hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin xấu, độc. 

 Tin xấu độc có khi cũng từ chúng ta mà ra. Chúng ta hãy thể hiện thái độ dislike với tin xấu, tin giả. Ảnh VGPTin xấu độc có khi cũng từ chúng ta mà ra. Chúng ta hãy thể hiện thái độ dislike với tin xấu, tin giả. Ảnh VGP

Tin xấu độc có khi cũng từ chúng ta mà ra

Nhận định việc tin xấu độc từ đâu mà ra, Bộ trưởng cho rằng, cũng có khi từ chính chúng ta mà ra. Do đó, vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trên không gian mạng là rất quan trọng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa giáo dục kỹ năng sống trên môi trường số, không gian mạng vào trường phổ thông.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta chưa quen lắm với việc phải có rất nhiều kỹ năng và phải ứng xử ra sao, phân biệt được đúng sai không gian mạng.

“Nếu chúng ta đã đọc một tin xấu là vô hình trung nuôi cái tin xấu và làm cho mỗi lần đọc tin xấu là mỗi lần người đưa tin xấu đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên. Vô hình trung, chính chúng ta lại là người lan tỏa những thông tin này”, Bộ trưởng chia sẻ. 

Dislike với tin xấu độc

Điều hành phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, Bộ trưởng nói tốt nhất là đừng có xem thông tin xấu độc, tin giả trên mạng nhưng nếu không xem thì làm sao biết thông tin đấy là giả, là xấu?

Bộ trưởng cho rằng, tất nhiên chúng ta vẫn phải xem một lần nhưng cái chính là ở việc ta có thái độ thế nào với nội dung thông tin? Theo Bộ trưởng, các nội dung trên mạng xã hội có phần dislike. Và chúng ta cũng nên thể hiện thái độ.

Ông ví von, trong đời thực một người làm việc xấu thì chỉ cần một ánh mắt nhìn thôi là đã có thể ngăn chặn được hành động. Trong không gian mạng thì không có ánh mắt nhìn, chúng ta có hành động dislike. Mỗi cá nhân, mỗi người phải có cách để đấu tranh.

Những lúc khó khăn, người đứng đầu phải trực tiếp vào cuộc

Trả lời đại biểu về xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, theo Bộ trưởng hiện nay có khoảng 5 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia, thì 3 Cơ sở dữ liệu tương đối ổn còn hai cơ sở dữ liệu bị chậm là cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai.

Về cơ sở dữ liệu dân cư, trong tháng 10 vừa qua, trực tiếp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách về dự án này.

“Chúng tôi đã bàn bạc và tìm ra một giải pháp và cách thực hiện. Hiện nay dự án đã được phê duyệt, đã được đưa vào dự án đầu tư công trung hạn và bắt đầu có ngân sách rồi.

Thực ra, Bộ Công an cũng đã triển khai. Hiện nay 75 triệu dữ liệu người dân đã được quét, đưa lên mạng, đã được đưa vào trong hệ thống. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ tích cực. Chúng tôi đặt ra mục tiêu cố gắng đến năm 2020 dự án về cơ sở dữ liệu dân cư này sẽ cơ bản hoàn chỉnh”.

Về dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm ra một giải pháp. Trước đây, chúng ta nghĩ nó là một dự án rất lớn. Hiện nay tư duy theo hướng làm thành 1+ 63, tức là có 63 địa phương và có phần tập trung.

Về tiến độ, Bộ trưởng cho biết, năm nay sẽ hoàn thành thiết kế sơ bộ, tiêu chuẩn kết nối, và một số nền tảng để đầu năm 2020 là cả 63 tỉnh và cơ quan Bộ, cơ quan Trung ương triển khai đồng loạt.

Bộ trưởng chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng, với sự vào cuộc trực tiếp như thế này cũng là một kinh nghiệm tốt. Đó là khi gặp một vấn đề chậm trễ hoặc một vấn đề khó khăn gì đấy thì tốt nhất trực tiếp vào cuộc và những lúc khó khăn phải trực tiếp là người đứng đầu”.

  Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc xử lý thông tin xấu độc lên mạng và việc lọc tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều quốc gia coi việc người dân phải có khả năng phân biệt tin xấu độc trên mạng xã hội là giải pháp căn cơ. 

Theo Bộ  trưởng, bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng. Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Nếu như nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại.

“Tôi vẫn nghĩ là câu chuyện giáo dục, đưa vào từ phổ thông giáo dục trong toàn xã hội. Với cách hành xử mới thì chúng ta phải quen dần", Bộ trưởng bày tỏ.

Về ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các nhà mạng mỗi một tháng ghi nhận được khoảng 10.000 số máy lạ thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Cách đây gần một tháng Bộ đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý việc này. Trong năm 2019 này cơ bản sẽ thí điểm các công cụ chặn cuộc gọi rác giống như công cụ chặn tin rác.

Đã gỡ hạ 207 website mạo danh, trong đó có 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh VGPĐã gỡ hạ 207 website mạo danh, trong đó có 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh VGP

Hạ 46 trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Về xử lý các trang web mạo danh, Bộ trưởng cho biết vừa rồi đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Những trang này, ban đầu đưa những thông tin để lấy niềm tin của người đọc, nhưng “đến một ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi lấy niềm tin của người đọc, đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp” thì rất nguy hiểm. 

Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan, và có lực lượng để giải quyết vấn đề này. Trong 2 tháng vừa qua, Bộ đã làm rất mạnh tay, gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn.

Bộ trưởng cho biết, trong số này có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này.

Facebook đã chặn 21 trang mạng chống phá Nhà nước

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về nguy cơ an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh mạng và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều. 

Theo Bộ trưởng, kết quả này thể hiện rõ nhất qua làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. Trước đây với Facebook nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài.

Bộ trưởng cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

 Phải giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng

 Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng.

Theo Bộ trưởng, mạng xã hội cũng có 2 mặt, như Facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng bước.

Về cơ sở luật pháp, Bộ trưởng cho biết sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nếu chúng ta lạm dụng, sẽ có nhiều hệ lụy

Trả lời chất vấn của đại biểu về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ; các đô thị thì đua nhau xây dựng thành phố thông minh, trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người, Bộ trưởng cho hay Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.

Cụ thể là, thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày vào loại cao trên thế giới.

Theo Bộ trưởng, “cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Ví như, một số nước có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh, có nước thì hạn chế thời gian trẻ em chơi game…

 Cần phải sắp xếp lại hệ thống báo chí

Trả lời đại biểu về vấn đề quy hoạch báo chí, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Chúng ta cũng nhận thấy, cần phải sắp xếp lại theo hướng tức là mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình, không có chuyện như trước kia nữa, tức là chấn chỉnh hoạt động báo chí trong một thời gian trước đây chúng ta cũng có sự buông lỏng.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện sau đấy 2 tháng.

Cụ thể, tháng 4 Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6/2019, Bộ đã ban hành kế hoạch gồm hai bước. Bước một, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Bộ khoảng 40 Bộ. Bước 2, năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này. 

Trả lời chất vấn về tình trạng một số cơ quan chủ quản (chủ yếu ở các hội xã hội nghề nghiệp) buông lỏng quản lý, thậm chí còn khoán thu, khoán thẳng cho các cơ quan báo chí tự bươn chải, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, chuyện khoán trắng là có, thậm chí Bộ Thông tin và Truyền thông còn nhận được những khiếu nại là cơ quan báo chí phải nộp tiền cho cơ quan chủ quản.

Theo Bộ trưởng, luật đã quy định cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí, việc cơ quan báo chí phải nộp tiền cho cơ quan chủ quản giống “như nộp tô vậy”.

Cho rằng đây là vấn đề rất nhức nhối, sai luật một cách nghiêm trọng, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch báo chí. Trong năm 2019 này thực hiện quy hoạch và đầu tiên là tập trung quy hoạch lại cơ quan báo chí của các hội. Tinh thần là “làm đúng luật thôi, không có gì ghê gớm lắm”.

Nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, Bộ trưởng cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết.

Theo Bộ trưởng, bây giờ xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá. Chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo.

“Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Hùng nói.

Bộ trưởng cho biết sẽ cùng với Hội Nhà báo tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh VGPĐại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh VGP

Tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể

Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’, hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung,… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.

Hiện nay, cả Bộ, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo và một số Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã sử dụng công cụ này để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử… Qua đó, tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm đáng kể.

Về xử lý vi phạm, Bộ trưởng nêu rõ: Nếu cơ quan báo chí có dấu hiệu sách nhiễu, vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo pháp pháp luật; ngoài ra còn có hình thức xử lý, giáo dục bằng đạo đức báo chí.

Làm ăn tử tế thì không thể sách nhiễu được

Về tình trạng nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo gây sách nhiễu, tổ chức cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, Bộ trưởng nhận thấy, đúng là cũng rất nhiều bức xúc.

Năm 2019, Bộ xử lý các vi phạm hành chính với 4 trường hợp liên quan đến nội dung này. Ngoài ra, cũng tiến hành cả đình bản, thu thẻ nhà báo.

“Tôi nghĩ đây là việc đi hai chân, vì có những cái rất mở, pháp luật vào thì phân biệt cũng tương đối khó, nên cần đi bằng đạo đức nghề nghiệp cộng với pháp luật”.

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng cho biết, nhiều khi doanh nghiệp cũng không biết hết quyền của mình đối với báo chí nên có hai thái cực: Cứ thấy báo chí là chạy hoặc mình có quyền ở chỗ ông đến có đúng hoạt động, có giấy giới thiệu, có thẻ nhà báo không, đúng tôn chỉ mục đích không, có đúng là người thật, việc thật không.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa lên trên mạng cơ sở dữ liệu về phóng viên về nhà báo, để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tra cứu xem có đúng người thật việc thật. Các cơ quan báo chí đều có tôn chỉ mục đích trên báo điện tử nên các tổ chức, cá nhân có thể kiểm tra được.

Còn có một việc nữa là khi phóng viên vào làm việc thì doanh nghiệp sai nên cũng muốn lẩn đi, thế là thoả hiệp. Thời gian qua, công an bắt cũng vì hiện tượng đưa tiền cho nhau.

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc đầu tiên là phải làm ăn tử tế, nếu như thế thì không thể sách nhiễu được, có gì có thể ra tòa luôn. 

“Báo hóa” tạp chí là sai luật

Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật báo chí.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí. 

Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.

Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích  thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.

Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh VGPĐại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh VGP

Thúc đẩy chuyển đổi số tiến tới kinh tế số, xã hội số

Báo cáo với Quốc hội trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghệ công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.

Với doanh thu năm 2018 trên 100 tỷ USD, với sứ mệnh đưa bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số tiến tới kinh tế số, xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là Bộ quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông với sứ mạng phản ánh trung thực và dòng chảy chính của xã hội Việt Nam tạo đồng thuận niềm tin cho xã hội và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường.

Theo Bộ trưởng, một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần báo chí sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù đã đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam mạnh lên, nhằm giữ Việt Nam ổn định chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước.

Cụ thể hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý gồm 6 lĩnh vực: Bưu chính với trọng tâm là phát triển thương mại điện tử; viễn thông với trọng tâm là tạo ra hạ tầng số; ứng dụng công nghệ thông tin với trọng tâm là phát triển Chính phủ điện tử, thành phố thông minh; quản lý an toàn thông tin mạng với trọng tâm là tạo ra an toàn trên không gian không gian mạng; quản lý công nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; báo chí truyền thông với trọng tâm là tạo không gian thông tin trung thực lành mạnh, lan toả năng lượng tích cực. 

Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt sâu sát của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà đã có bước phát triển, xếp hạng bưu chính tăng 5 bậc từ 50 lên 45 trong tổng số 172 quốc gia; chỉ số ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin tăng hạng từ 95 lên 41 trong số 141 nước xếp hạng... 

Còn nhiều tồn tại, nhiều vấn đề nhức nhối

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Đó là vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua kênh bưu chính viễn thông. Sim rác, tin nhắn rác, thư rác của bãi rác. Tình trạng chậm trễ của một số dự án trọng điểm về Chính phủ điện tử. Tỷ lệ cao các máy tính bị nhiễm mã độc. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gia công nhiều hơn là sáng tạo sản phẩm Made in Vietnam. Sự bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Vấn nạn tin giả, quảng cáo sai sự thật, vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin điện tử, đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên.

“Chúng tôi xin phép được lắng nghe các đại biểu Quốc hộ, trả lời một cách có trách nhiệm nhất với tinh thần hết sức nghiêm túc, cầu thị. Có những vấn đề còn thiếu thông tin chi tiết xin phép Quốc hội được trả lời thêm bằng văn bản, có những vấn đề lớn phức tạp không thể trả lời hết trong 3 phút xin phép Quốc hội sẽ báo cáo chuyên đề nhằm giải quyết triệt để hơn vấn đề đã được nêu ra, nhất là một số vấn đề kéo dài ít chuyển biến vì rất có thể có vấn đề phải cần đến thẩm quyền của Quốc hội thì mới giải quyết được”, Bộ trưởng nói. 

Quốc hội chất vấn 4 nhóm vấn đề. Ảnh TTXVNQuốc hội chất vấn 4 nhóm vấn đề. Ảnh TTXVN

Hỏi nhanh, đáp gọn, tranh luận đến cùng

Để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, kỳ họp này tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nối tiếp những kết quả được đánh giá tốt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề. Người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.

Với hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, tại kỳ họp này mỗi lượt có khoảng 3-4 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn...

Nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng là những vấn đề không chỉ được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn mà còn được cử tri và nhân dân quan tâm. Cùng với việc tiếp tục cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để tăng sự tranh luận nhằm đi đến tận cùng vấn đề, chắc chắc rằng qua chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sự trả lời trực diện của các thành viên Chính phủ sẽ làm sáng tỏ những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, gửi gắm tới cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân./.

Theo Chinhphu.vn