Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Về triển khai cơ chế một cửa quốc gia (NSW), từ đầu năm đến ngày 15/12/2017, đã xử lý gần 555.000 hồ sơ (tăng 272% so cùng kỳ năm 2016) cho gần 20.000 DN, thông qua 47 thủ tục hành chính (tăng thêm 8 thủ tục so với giữa năm 2017). Một số bộ, ngành tích cực triển khai NSW với số lượng hồ sơ, thủ tục lớn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế... 

Về triển khai ASW, Việt Nam đã kết nối chính thức từ 01/01/2018. Dự kiến, cuối năm 2018 sẽ kết nối với Liên minh kinh tế Á-Âu để trao đổi thông tin tờ khai xuất khẩu và chứng nhận xuất xứ.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện 7 bộ đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung văn bản, bao gồm các bộ Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ bản đã hoàn thành yêu cầu (89%), còn tồn 5/49 văn bản; Bộ Y tế đã hoàn thành 66% yêu cầu, còn tồn 3 văn bản; 3 bộ gồm Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường đều còn tồn 1 văn bản. Riêng Bộ Công an, chưa hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung cả 2 văn bản được giao.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tích cực triển khai Đề án giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không. Qua đó nhằm kết nối các cơ quan quản lý cảng, hãng vận chuyển, nhà cung cấp dịch vụ logistics với cơ quan hải quan thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Nhờ vậy, đơn giản hóa, tự động hóa khâu giám sát hàng hóa ra/vào cửa khẩu, kho, bãi; rút ngắn thời gian kiểm tra và xác nhận giải phóng hàng của cơ quan hải quan.

Sẽ chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành - Hình 1

Phó Thủ tướ​ng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, trong đó có sự làm việc chủ động và hiệu quả của Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan thường trực. Nhờ vậy, đã góp phần giúp xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam thăng hạng đáng kể.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2017 ước tính DN tiết kiện được hơn 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 15 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu, 33 triệu giờ lưu kho đối với hàng nhập khẩu. “Thành tích này, giúp Việt Nam nâng hạng môi trường đầu tư kinh doanh, phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và đặc biệt là việc triển khai NSW thời gian qua” - Phó Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, nếu so với mục tiêu phấn đấu thực hiện NSW thì, chúng ta mới làm được 1/5 phần việc. Hiện mới chỉ có 8 thủ tục được triển khai (so với chỉ tiêu 22 thủ tục), 14 thủ tục còn lại phải chờ đến hết quý I/2018 mới chính thức thực hiện. Dự kiến, đến hết quý I/2018, chỉ có 25 thủ tục được đưa vào vận hành, chiếm 19% trên tổng số 130 thủ tục hành chính được các bộ đăng ký triển khai trong năm 2017.

Trong lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, trong khi đó hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp. Bên cạnh đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; một số lĩnh vực còn bị bỏ sót; còn chồng chéo giữa các bộ, ngành; phí kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng xuất, nhập khẩu còn quá cao…

Để khắc phục những tồn tại này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, trong năm 2018, các bộ, ngành phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung. Đạt mục tiêu chính thức kết nối 1 cửa ASEAN vào năm 2018.

Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan xuống còn 15% vào cuối năm 2018 (hiện nay là 30-35%).  Các bộ, ngành thực hiện rà soát, bãi bỏ ít nhất 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Đối với danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, phải kèm theo mã hồ sơ phù hợp với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; phải công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra. Danh mục nào không có quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra thì phải bãi bỏ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thống nhất một đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khác nhau gây khó khăn cho DN.

Thanh Bình