Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan
Chúng ta đã và đang nói rất nhiều đến việc đẩy mạnh cải cách TTHC. Vậy theo ông, tính đến nay, kết quả đạt được đến đâu?
Bước vào đầu nhiệm kỳ mới, với nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển DN, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN. Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và 14 nghị quyết về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân.
Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp về công tác cải cách TTHC; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, đối thoại để lắng nghe, giải quyết kiến nghị của DN, người dân. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về cải cách TTHC; thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiện toàn Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC để tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, cũng như đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai có kết quả các nhiệm vụ về cải cách TTHC; cơ chế một cửa, một cửa liên thông với mô hình trung tâm hành chính công ở nhiều tỉnh được đưa vào hoạt động; tiếp nhận và công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, DN trên cổng thông tin điện tử Chính phủ; ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 5.000 thủ tục hành chính; các bộ, ngành đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, công tác cải cách TTHC thời gian qua đã giúp cắt giảm nhiều chi phí cho DN, tạo thuận lợi cho các DNNVV gia nhập thị trường, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 tăng 9 bậc (82/189 nền kinh tế), năm 2018 tăng 14 bậc (68/189 nền kinh tế). Như vậy, trong 2 năm, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 23 bậc; năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 - 2018 của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Những nỗ lực và kết quả đạt được của công tác này là đáng ghi nhận, song vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập. Biện pháp nào để có thể tháo gỡ những tồn tại đó, thưa ông?
Trong quá trình thực hiện cải cách, lực cản lớn nhất xuất hiện ngay trong bộ máy hành chính, khâu thực thi chưa hiệu quả từ đội ngũ công chức; vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC, yêu cầu thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc bị buông lỏng, thực hiện chưa nghiêm.
Việc ban hành thể chế quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, thông tư hướng dẫn cũng như thực thi các phương án cải cách TTHC, điều kiện kinh doanh còn chậm, kéo dài thời gian ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung. TTHC, điều kiện kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, ở một số nơi còn mang tính hình thức, còn tồn tại tình trạng đến trụ sở tiếp nhận để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cách thức triển khai dịch vụ công trực tuyến còn phân tán, thiếu tập trung, thống nhất.
Thiếu sự chỉ đạo quyết liệt ở một số cấp, ngành dẫn đến hiệu quả cải cách chưa được như mong muốn.
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC
Để khắc phục những tồn tại trên, cần đẩy mạnh truyền thông về mục đích, yêu cầu, lợi ích mà công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp đối với công tác này và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện cải cách, cải cách hình thức, đối phó...
Với vai trò của mình, Cục Kiểm soát TTHC có những hành động cụ thể ra sao để cải cách hành chính mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của người dân và DN?
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao về cải cách hành chính, cải cách TTHC, Cục Kiểm soát TTHC dự kiến sẽ triển khai các hoạt động sau để góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Một là, tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả việc tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp.
Hai là,đôn đốc các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2, các TTHC kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh; đề xuất bãi bỏ các quy định là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 19.
Ba là, phát huy vai trò của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối thoại, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến đất đai, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng; bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công; lý lịch tư pháp, hộ tịch… để bảo đảm các cải cách phải thiết thực, phục vụ người dân và DN.
Bốn là, tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền, bảo đảm gắn kết giữa cải cách TTHC với xây dựng chính phủ điện tử; phát huy hiệu quả kênh tương tác giữa Chính phủ với người dân, DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC và chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hà (Thực hiện)