Sẽ không tăng biên chế khi thành lập Tổng cục QLTT (ảnh minh họa)
Thông tin tới báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, Trần Hữu Linh nhấn mạnh:
Theo mô hình mới sẽ có 63 chi cục quản lý thị trường ở các tỉnh, thành nay chuyển thành Cục quản lý thị trường. Số lượng biên chế sẽ không tăng lên và chỉ dịch chuyển biên chế từ địa phương lên Bộ Công thương.
Việc thành lập Tổng cục quản lý thị trường cũng xuất phát từ liên kết thực tế trong thực thi công việc. Theo đó, trong hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp với các cơ quan biên phòng, hải quan, công an, các địa phương…, trong đó, tất cả các lực lượng trên đều đã hoạt động theo mô hình ngành dọc, từ đó đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cũng phải hoạt động theo ngành dọc cho phù hợp để phát huy tối ưu sự liên kết.
Trước khi thành lập Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công thương đã giảm nhiều đầu mối quản lý thị trường và đặt mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm 305 đội. Riêng trong năm 2019, kiện toàn 38 cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh, thành, 19 cơ quan quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Rà soát, sắp xếp 25 Cục quản lý thị trường cấp tỉnh theo hướng khu vực liên tỉnh.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng được giao nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu, có phương án sắp xếp cho giai đoạn sau 2021 để tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường tinh gọn, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả..., ông Linh cho biết.
Trước đó, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục quản lý thị trường, trực thuộc Bộ Công thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.
Nguyễn Kiên