Hãng bia Sài Gòn Sabeco bị truy thu gần 4.000 tỷ đồng tiền thuế
Trong công văn, Bộ Tài chính dẫn 3 quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước thể hiện hiệu lực pháp lý của báo cáo kiểm toán.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 7 và khoản 6,7 Điều 57 của Luật Kiểm toán Nhà nước quy định: “Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Đồng thời quy định: “Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kiết luận, kiến nghị đó…”.
“Trong thời gian giải quyết khiếu nại, đơn vị kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán, trừ trường hợp Tổng kiểm toán Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán Nhà nước”, Bộ Tài chính dẫn giải.
Bộ Tài chính còn đưa ra khoản 1, Điều 10 Luật Thanh tra quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị quyết định về thanh tra, có quyền giải trình về nội dung thanh tra, có quyền và trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Bộ Tài chính cho rằng theo các quy định nêu trên, khi báo cáo kiểm toán đã được phát hành và kết luận thanh tra đã được công bố thì các đơn vị được thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm thi hành, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
“Do đó, Sabeco và Habeco phải nghiêm chỉnh thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và kết luận của Thanh tra Chính phủ”, Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Sabeco, Habeco thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính, tiền phạt chậm nộp thuế và được sử dụng nguồn từ lợi nhuận sau thuế để thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền trên.
Theo tìm hiểu, số tiền phạt hành chính và tiền chậm nộp thuế TTĐB giai đoạn 2007 – 2015 của Sabeco lên đến 3.861 tỷ đồng.
Bảo Ngọc T/h