Nhằm bảo đảm ATTP trong mùa lễ hội xuân, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP cũng yêu cầu các Ban Quản lý ATTP; Chi cục ATTP các tỉnh, thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong năm 2019 các bộ, cơ quan và các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo bảo đảm ATTP trong mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi, trong đó lưu ý ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; kiên quyết chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh kiểm soát công tác an toàn thực phẩm (ATTP) để kịp thời chấn chỉnh, loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống thông qua các giải pháp như gom dần lại, hạn chế các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; thực hiện nghiêm việc xử lý chất thải, nước thải bảo đảm yêu cầu về môi trường; đẩy mạnh việc quản lý ATTP đối với các loại thực phẩm được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch kết hợp với việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại các loại thực phẩm này.

Tại Hà Nội, công tác kiểm tra về việc tổ chức và quản lý lễ hội được tập trung triển khai thực hiện. Trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau thời gian diễn ra lễ hội gắn với tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, lan truyền rộng rãi tới người dân để có những lễ hội thật sự văn minh.

Tuy nhiên,  bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, vẫn còn những vấn đề nổi cộm, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra. Trong 15/2, đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội đã vừa xử phạt 2 nhà hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm tại Lễ hội chùa Hương.

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm mùa lễ hội - Hình 1

Thực phẩm sống – chín được bày bán lẫn lộn tại lễ hội Chùa Hương

Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm như bảo quản thực phẩm không đúng quy định, không sử dụng tủ kính hoặc màng bọc thực phẩm, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Đoàn đã lập biên bản xử lý và đề nghị Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương tiếp tục làm việc với tất cả các cơ sở, kiên quyết dừng hoạt động những cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm ATTP làm ảnh hưởng tới sức khỏe du khách.

Không chỉ ở chùa Hương, đoàn kiểm tra ATTP của Hà Nội cũng đã phát hiện những vi phạm về ATTP tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Qua quan sát của phóng viên tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), từ Tết Nguyên đán đến nay luôn nườm nượp khách. Để phục vụ thực khác, ở đây có rất nhiều hàng quán ăn uống lớn nhỏ. Tuy nhiên, đa phần hộ kinh doanh thực phẩm không che đậy kín thức ăn theo đúng quy định, người bán hàng vẫn dùng tay trần lấy thực phẩm chín.

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm mùa lễ hội - Hình 2

Đồ ăn bày bán tràn lan không che đậy, rất mất vệ sinh tại Chùa Hương

Tại một số điểm lễ hội, đoàn kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về ATTP song để đảm bảo mùa lễ hội an toàn, lãnh đạo Cục ATTP cũng lưu ý các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần đeo găng tay hoặc kẹp gắp khi chia thức ăn; đồng thời, yêu cầu các địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra tại những cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Tại các xã, phường đã có Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm phải phân công cán bộ trực tiếp giám sát tại các điểm lễ hội.

Được biết, trước thời điểm diễn ra lễ hội, chính quyền các địa phương đã tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các chủ hộ trực tiếp kinh doanh thực phẩm, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, song, các chủ cửa hàng vẫn “lách luật”, không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, cố tình chèo kéo khách mua hàng.

Để đảm bảo an toàn cho các du khách trong mùa lễ hội, đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý “mạnh tay” thay vì chỉ nhắc nhở để một số cơ sở không tái diễn tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hà Trần